8/11/11

Bàn về dự phòng nghiệp vụ Bảo hiểm phi nhân thọ

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ gồm cả ba loại: dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng giao động lớn, dự phòng bồi thường. Sau đây chúng ta cùng nghiên cứu bản chất của 3 loại dự phòng này



1. Dự phòng phí chưa được hưởng.
 Bản chất là doanh thu trả trước của người tham gia bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường là 1 năm nên phí bảo hiểm được trả cho cả năm trong đó có doanh thu bảo hiểm (phí bảo hiểm) của năm ký kết hợp đồng và còn lại là doanh thu của năm tiếp theo với số tháng còn lại theo hiệu lực hợp đồng. Vì vậy để tính doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm, phải tách ra 2 phần doanh thu trong kỳ báo cáo (phí được hưởng) và doanh thu còn lại sau kỳ báo cáo (doanh thu trả trước-dự phòng phí chưa được hưởng). Ví dụ: người tham gia bảo hiểm từ 14/3/2010 đến 14/3/2011 phí bảo hiểm phải đóng là 12 triệu. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm lập báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, năm thì doanh thu trên được tách ra như sau:
bang 1.bmp

Ngoài ra doanh thu trả trước của kỳ trước cho kỳ báo cáo được nhập vào doanh thu kỳ báo cáo. Tương tự ví dụ trên, doanh thu trả trước cho Quý II/2010 là 3 triệu đồng được tính vào cùng với doanh thu khai thác mới (sau khi trừ doanh thu trả trước của Quý III/2010).
 Để dễ tính ta lấy tròn số dưới 15 ngày tính bằng 1/2 tháng, trên 15 ngày tính tròn cả tháng. Điều này cũng tương tự như hướng dẫn trích lập dự phòng phí chưa được hưởng theo phương pháp 1/24. Như vậy doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh thu mới khai thác được hưởng trong kỳ báo cáo và doanh thu trả trước của kỳ trước cho kỳ báo cáo. Cách hạch toán thống kê này hoàn toàn phù hợp với Luật Kế toán, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập hiện hành quy định về doanh thu của các doanh nghiệp nói chung (kể cả ngoài ngành bảo hiểm).
 Sắp tới chúng ta tiến hành sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, do yêu cầu phải tương thích với các Luật hiện hành nên khái niệm “Dự phòng phí chưa được hưởng” cần được xem xét lại cho đúng bản chất để trả lại đúng tên gọi “Doanh thu trả trước”.
 Tuy nhiên để đánh giá khả năng khai thác của doanh nghiệp bảo hiểm, chúng ta cũng cần có số liệu doanh thu phí bảo hiểm khai thác trong kỳ. Đây là chỉ tiêu đánh giá nghiệp vụ , khác hẳn với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm trong kỳ báo cáo (bao gồm doanh thu phí bảo hiểm khai thác được hưởng trong kỳ báo cáo và doanh thu phí bảo hiểm trả trước của kỳ trước cho kỳ bảo hiểm). Tách bạch 2 vấn đề này riêng biệt vừa đảm bảo việc nghiệp vụ hạch toán theo luật hiện hành vừa tiến hành kế toán quản trị phục vụ cho nhu cầu quản lý kinh doanh của từng doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Dự phòng giao động lớn
 Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được trích lập từ 3%-5% phí bảo hiểm mới khai thác để lập Quỹ dự phòng giao động lớn. Việt Nam hiện đang được xếp vào loại nước chịu biến đổi khi hậu lớn nhất thế giới. Bão lụt, hạn hán, giông tố, gió lốc, sóng thần liên tiếp xảy ra với cường độ ngày càng lớn, sức tàn phá ngày càng cao. Dự kiến đến 2020, đồng bằng Sông Cửu long có nhiều vùng thấp hơn mặt nước biển. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu để tăng tỷ lệ trích lập dự phòng giao động lớn, có thể lên tới 5%-10%.

3. Dự phòng bồi thường.
 Dự phòng bồi thường là khoản trích lập Quỹ để thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng chi trả cho những tổn thất xảy ra đã được khách hàng thông báo nhưng chưa lập đủ hồ sơ để giải quyết bồi thường mà chỉ ước được số tiền phải bồi thường. Những trường hợp này bao gồm: đang trong quá trình giám định tổn thất, đang trong quá trình sửa chữa tổn thất...

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng cần quy định rõ khi nào thì được đem dự phòng giao động lớn để giải quyết bồi thường. Ví dụ chỉ những địa phương (tương đương với chi nhánh) bị thiệt hại nặng nề trong thời gian tương ứng với thiên tai đó, tổn thất thuộc rủi ro bảo hiểm mới được giải quyết bồi thường từ quỹ dự phòng giao động lớn, tránh tình trạng sợ tỷ lệ bồi thường cao, thua lỗ, hạ hết dự phòng để bồi thường./.


Phí vận chuyển tầu biển liên tục tăng : DN Việt mất quyền lựa chọn

DN VN đang bị tăng giá vô tội vạ đối với các loại phí- phụ phí vận chuyển container (cont) đường biển. Tuy nhiên, không thể giải quyết được “vấn nạn” này, khi DN Việt không được... chọn hãng vận chuyển.



Hơn thế, các hãng tàu của VN cũng không thể chuyên chở hàng quốc tế dù năng lực tốt và chi phí thấp hơn nhiều hãng vận tải nước ngoài. 

Nhiều khoản phí... trời ơi 
Ông Nguyễn Đức Thanh- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều VN (Vinacas) cho biết từ tháng 5/2011 đến nay, các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng các loại phí, phụ phí vận chuyển container (cont)  bằng tàu biển trung bình thêm khoảng 50%, làm tổng phí- phụ phí trung bình tăng lên từ 150- 200 USD/cont 20 feed  tiêu chuẩn (TEU). 
Cụ thể với rất nhiều các loại phụ phí mới được áp dụng như phụ phí xăng dầu (EBS), phí đảm bảo container (EMS), phí truyền dữ liệu (Telex), phí sửa chữa vệ sinh cont, phí lưu cont, phí chuyển vỏ rỗng (CISD)... Nhiều loại phụ phí cũ như  phí chứng từ (D/O), phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC), phí seal... cũng tăng giá. Bên cạnh đó một số hãng tàu thông báo sẽ thu thêm các loại phí mới như: EBS cho hàng đi châu Á, ENS cho hàng đi châu Âu, phí TELEX... 
Không chỉ có vậy, một số hãng đã thu thêm phụ phí chuyển vỏ rỗng CISD với mức 30 USD/ cont kể từ tháng 6/ 2011. Đây là loại phí rất vô lý bởi việc đảm bảo tải trọng hài hòa 2 chiều là chuyện của hãng tàu, để bảo đảm doanh thu thì nhà vận chuyển phải tìm kiếm nguồn hàng chứ không thể cứ thu phí để bù vào việc chuyên chở vỏ.

Ông Nguyễn Công Thanh- Phó GĐ Cty TNHH Tân Hòa chuyên về XNK nông sản bức xúc nhất với khoản phí đảm bảo container (EMS). Khi DN Việt nhận hàng thì không thể nhìn thấy bên trong tình trạng thế nào, nhưng khi trả cont thì rất dễ bị kết luận là cont bị thủng đáy, móp méo... và buộc trách nhiệm các DN Việt phải trả phí sửa chữa. 
Ông Nguyễn Công Đạt - Trưởng Phòng XNK Cty TNHH Tân Hòa (chuyên chế biến XNK hạt điều) khẳng định, hiện vận chuyển hàng hóa bằng cont ra nước ngoài thu lãi rất cao, khoản tiền lớn nhất là tiền cước vận chuyển, luôn từ 1.500 USD đến 3000 USD/TEU. Ông Đạt cũng cho rằng, việc để nước ngoài nắm quyền chọn hãng tàu cũng là thiệt thòi đối với các hãng tàu VN bởi  dù có khả năng cũng khó có cơ hội nhận được hàng vận chuyển, nếu không được DN nước ngoài hỗ trợ. 

Vì sao phải chịu thiệt thòi ? 
Vì sao DN Việt lại chấp nhận việc tăng giá nêu trên mà không thể chọn hãng vận chuyển khác có phí thấp hơn, hoặc “người Việt dùng hàng Việt”,  một cán bộ XNK của Cty TNHH Tân An (tỉnh Long An) chuyên về XNK nông sản cho biết: Luật bất thành văn khi vận chuyển container tại VN ra nước ngoài là đối tác nước ngoài có toàn quyền chọn hãng tàu vận chuyển, và họ chọn quyền trả cước vận chuyển thay đổi tùy theo tuyến đường dài hay ngắn. DN VN phải trả các khoản phí và phụ phí, rất phức tạp, thậm chí có cả phụ phí chiến tranh, phụ phí ách tắc cảng (khoảng năm 2008 đã áp dụng tại VN). 

Ngoài ra các hãng tàu và các đối tác nước ngoài luôn nắm đằng chuôi. Ví dụ: Nếu DN Việt không trả tiền hư hỏng cont thì họ sẽ trừ hoàn toàn bằng tiền đặt cọc cont trước đó (600 ngàn đồng- 1 triệu đồng /TEU). Khi trao đổi về việc ai là người quyết định tình trạng cont để buộc DN trả tiền sửa chữa, vị cán bộ nêu trên cho biết: Khi trả cont, nhân viên bốc dỡ luôn muốn làm nhanh nên sẽ dễ dàng chấp nhận ký vào biên bản nhận xét tình trạng container do nhân viên hãng tàu đưa ra, bởi ký hay không ký không quan trọng đối với họ. 

Vừa qua, Hiệp hội chủ hàng VN và các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực đàm phán để Hiệp hội chủ tàu châu Á (IADA) đồng ý tách phí xếp dỡ container THC (120- 130 USD/cont) ra khỏi phí vận chuyển đường biển. Tuy nhiên, theo nhiều DN, phí THC chỉ là một trong hàng trăm các loại phí và phụ phí mà bất cứ lúc nào các hãng tàu nước ngoài cũng có thể áp dụng. Do vậy, một quan hệ công bằng giữa DN VN với hãng tàu, với đối tác là giải pháp căn cơ không chỉ đối với vấn đề phí và phụ phí mà còn đối với các vấn đề khác. Điều này nằm ngoài khả năng của các DN Việt.
Theo DDDN

Cảnh báo bán bảo hiểm cháy, nổ sai đối tượng: Lách luật để trốn phí?

Ngày 5-10, Sở CSPC&CC TP Đà Nẵng nhận đơn tố cáo của ông Trần Công Vinh, trú P. Phước Mỹ (Sơn Trà, Đà Nẵng) tố cáo một số việc làm sai trái của Cty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng (NH) Nông nghiệp Chi nhánh Đà Nẵng (ABIC Đà Nẵng). Nhiều vấn đề trong đơn tố cáo được ông Vinh đặt ra, song Sở CSPC&CC chỉ tiến hành điều tra những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình.
Theo đơn tố cáo của ông Vinh, Chi nhánh ABIC Đà Nẵng đã vi phạm một số quy định về công tác PCCC như: chuyển loại hình thức bảo hiểm từ cháy nổ bắt buộc sang hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt hay mọi rủi ro tài sản của các đối tượng phải tham gia cháy nổ bắt buộc nhằm trốn phí cho doanh nghiệp và tránh nộp phí 5% cho công tác PCCC. Đơn cử vài đơn vị lớn như: tòa nhà Big C, Golden Hill, Tân Cường Thành Đà Nẵng, Kính nổi Chu Lai Quảng , Sà lan chứa dầu Diesel- Marine supply 09 của Cty TNHH Thanh Huyền là đối tượng tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng lại chuyển qua đơn bảo hiểm sà lan bình thường...
Ngày 10-10-2011, Tổ điều tra của Sở CS PC&CC TPĐN đã có buổi làm việc với với Chi nhánh ABIC Đà Nẵng xác minh các trường hợp vi phạm trên và được Chi nhánh ABIC ĐN giải trình như sau: Các hợp đồng AD0001/11B06301; AD0001/11H01/00320; AD0001/11B14/00302; AD0001/11B118/00302; AD001/11B06/00302 của 2 Cty Cổ phần Đức Mạnh và Cty CP DV cáp treo Bà Nà là do 2 đơn vị bảo hiểm đứng đầu là MIC Đà Nẵng (Bảo hiểm Quân đội- chi nhánh Đà Nẵng) và PTI Thăng Long phát hành hợp đồng theo loại hình bảo hiểm: Mọi rủi ro tài sản, Công trình dân dụng, đổ vỡ máy móc và bảo hiểm trách nhiệm công cộng. Chi nhánh ABIC Đà Nẵng chỉ là đơn vị thỏa thuận đồng bảo hiểm, không trực tiếp tham gia đàm phán và ký kết hợp đồng với khách hàng.
Trường hợp Hợp đồng bảo hiểm CT TNHH Dây và cáp điện Tân Cường Thành, do nhiều yếu tố khác nhau trong đó khách hàng yêu cầu tham gia thêm về các quyền lợi rủi ro khác bổ sung kèm theo đơn bảo hiểm cháy, nên Chi nhánh ABIC ĐN đã ký hợp đồng theo loại hình hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt, có hiệu lực từ ngày 15-7-2010 đến 15-7-2011, đến nay hợp đồng này đã hết hạn bảo hiểm. Riêng trường hợp sà lan chứa dầu Marine Supply 09, chi nhánh ABIC ĐN đã phát hành hợp đồng loại hình bảo hiểm tàu thuyền cho CT TNHH Thanh Huyền. Lý do đây là loại phương tiện thủy nội địa (sà lan) nên Chi nhánh ABIC ĐN phải phát hành hợp đồng bảo hiểm có quy tắc phù hợp với đối tượng tài sản được bảo hiểm, vì vậy không ký kết hợp đồng bảo hiểm trên theo đơn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...
Cảnh báo bán bảo hiểm cháy, nổ sai đối tượng: Lách luật để trốn phí?
Các bản hợp đồng vi phạm quy định về PCCC do Chi nhánh ABIC ĐM, MIC ĐN và PTI Thăng Long phát hành.
Qua xác minh, làm rõ, Tổ kiểm tra CSPC&CC TP Đà Nẵng đã có cơ sở kết luận như sau: Qua kiểm tra 4 hợp đồng đã được ký kết với các doanh nghiệp nêu trên thì cả 4 doanh nghiệp đều thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng cả 4 trường hợp đã được ký kết đều thể hiện loại hình cháy, nổ theo hình thức tự nguyện, như vậy là không đúng theo quy định tại Phụ lục 1, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4-4-2003 của Chính phủ và điểm 1, điều 2 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 5-10-2006 của Chính phủ, đồng thời đã vi phạm tại điểm 2, điều 26 Nghị định số 123/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC...
Ngoài Chi nhánh ABIC Đà Nẵng vi phạm tại điểm 2, điều 26 Nghị định số 123 của Chính phủ còn 2 doanh nghiệp cũng sai phạm trong việc bán bảo hiểm cháy, nổ không đúng quy định, gồm: Cty CPBH Bưu điện Thăng Long ký hợp đồng bán bảo hiểm cháy, nổ theo hình thức tự nguyện với Cty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà; Cty CP Bảo hiểm Quân Đội, Chi nhánh Đà Nẵng ký hợp đồng bán bảo hiểm cháy, nổ theo hình tự nguyện với Cty CP Đức Mạnh.
Qua đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật, Sở CSPC&CC TPĐN giao cho Phòng Hướng dẫn về phòng cháy lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với 3 doanh nghiệp không bán Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là Chi nhánh ABIC Đà Nẵng; Cty CP Bảo hiểm Bưu điện Thăng Long và Cty CP Bảo hiểm Quân đội, chi nhánh Đà Nẵng bằng hình thức phạt tiền với khung hình phạt tối đa của hành vi trên là 5.000.000 đồng Thông báo cho các doanh nghiệp đã mua bảo hiểm cháy, nổ theo hình thức tự nguyện phải mua bổ sung bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (được biết, đến thời điểm này Cty TNHH Thanh Huyền đã mua bổ sung bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho sà lan chứa dầu Marine Supply 09).
Được biết tình trạng bán bảo hiểm cháy, nổ sai quy định diễn ra khá phổ biến ở nhiều đơn vị bảo hiểm, bài viết này nhằm cảnh báo, nhắc nhở để các đơn vị Bảo hiểm và cả đơn vị mua bảo hiểm phải tuân thủ đúng pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Theo CA Đà Nẵng

DANANG: Mua bảo hiểm cho thuyền viên đánh bắt xa bờ

Mua bảo hiểm cho thuyền viên đánh bắt xa bờ UBND TP Đà Nẵng vừa thống nhất chủ trương mua bảo hiểm cho tất cả các thuyền viên trên các tàu đánh cá xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản theo hướng bền vững.
Theo đó, mức hỗ trợ là 64.000 đồng/người/năm. Đây là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
alt
Ngư dân đánh bắt xa bờ sẽ được mua bảo hiểm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, tính đến tháng 10/2011, tổng số tàu thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng 2.328 chiếc trong đó có 659 thuyền thúng có gắn máy và gần 1.670 chiếc tàu trong đó tàu có tổng công suất máy chính từ 90Cv trở lên có 154 chiếc; tổng số thuyền viên hơn 8.900 người trong đó có trên 2.000 thuyền viên thuộc các tàu đánh bắt xa bờ.

Khánh Hồng - Dantri.com.vn.