8/11/11

Bàn về dự phòng nghiệp vụ Bảo hiểm phi nhân thọ

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ gồm cả ba loại: dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng giao động lớn, dự phòng bồi thường. Sau đây chúng ta cùng nghiên cứu bản chất của 3 loại dự phòng này



1. Dự phòng phí chưa được hưởng.
 Bản chất là doanh thu trả trước của người tham gia bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường là 1 năm nên phí bảo hiểm được trả cho cả năm trong đó có doanh thu bảo hiểm (phí bảo hiểm) của năm ký kết hợp đồng và còn lại là doanh thu của năm tiếp theo với số tháng còn lại theo hiệu lực hợp đồng. Vì vậy để tính doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm, phải tách ra 2 phần doanh thu trong kỳ báo cáo (phí được hưởng) và doanh thu còn lại sau kỳ báo cáo (doanh thu trả trước-dự phòng phí chưa được hưởng). Ví dụ: người tham gia bảo hiểm từ 14/3/2010 đến 14/3/2011 phí bảo hiểm phải đóng là 12 triệu. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm lập báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, năm thì doanh thu trên được tách ra như sau:
bang 1.bmp

Ngoài ra doanh thu trả trước của kỳ trước cho kỳ báo cáo được nhập vào doanh thu kỳ báo cáo. Tương tự ví dụ trên, doanh thu trả trước cho Quý II/2010 là 3 triệu đồng được tính vào cùng với doanh thu khai thác mới (sau khi trừ doanh thu trả trước của Quý III/2010).
 Để dễ tính ta lấy tròn số dưới 15 ngày tính bằng 1/2 tháng, trên 15 ngày tính tròn cả tháng. Điều này cũng tương tự như hướng dẫn trích lập dự phòng phí chưa được hưởng theo phương pháp 1/24. Như vậy doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh thu mới khai thác được hưởng trong kỳ báo cáo và doanh thu trả trước của kỳ trước cho kỳ báo cáo. Cách hạch toán thống kê này hoàn toàn phù hợp với Luật Kế toán, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập hiện hành quy định về doanh thu của các doanh nghiệp nói chung (kể cả ngoài ngành bảo hiểm).
 Sắp tới chúng ta tiến hành sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, do yêu cầu phải tương thích với các Luật hiện hành nên khái niệm “Dự phòng phí chưa được hưởng” cần được xem xét lại cho đúng bản chất để trả lại đúng tên gọi “Doanh thu trả trước”.
 Tuy nhiên để đánh giá khả năng khai thác của doanh nghiệp bảo hiểm, chúng ta cũng cần có số liệu doanh thu phí bảo hiểm khai thác trong kỳ. Đây là chỉ tiêu đánh giá nghiệp vụ , khác hẳn với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm trong kỳ báo cáo (bao gồm doanh thu phí bảo hiểm khai thác được hưởng trong kỳ báo cáo và doanh thu phí bảo hiểm trả trước của kỳ trước cho kỳ bảo hiểm). Tách bạch 2 vấn đề này riêng biệt vừa đảm bảo việc nghiệp vụ hạch toán theo luật hiện hành vừa tiến hành kế toán quản trị phục vụ cho nhu cầu quản lý kinh doanh của từng doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Dự phòng giao động lớn
 Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được trích lập từ 3%-5% phí bảo hiểm mới khai thác để lập Quỹ dự phòng giao động lớn. Việt Nam hiện đang được xếp vào loại nước chịu biến đổi khi hậu lớn nhất thế giới. Bão lụt, hạn hán, giông tố, gió lốc, sóng thần liên tiếp xảy ra với cường độ ngày càng lớn, sức tàn phá ngày càng cao. Dự kiến đến 2020, đồng bằng Sông Cửu long có nhiều vùng thấp hơn mặt nước biển. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu để tăng tỷ lệ trích lập dự phòng giao động lớn, có thể lên tới 5%-10%.

3. Dự phòng bồi thường.
 Dự phòng bồi thường là khoản trích lập Quỹ để thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng chi trả cho những tổn thất xảy ra đã được khách hàng thông báo nhưng chưa lập đủ hồ sơ để giải quyết bồi thường mà chỉ ước được số tiền phải bồi thường. Những trường hợp này bao gồm: đang trong quá trình giám định tổn thất, đang trong quá trình sửa chữa tổn thất...

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng cần quy định rõ khi nào thì được đem dự phòng giao động lớn để giải quyết bồi thường. Ví dụ chỉ những địa phương (tương đương với chi nhánh) bị thiệt hại nặng nề trong thời gian tương ứng với thiên tai đó, tổn thất thuộc rủi ro bảo hiểm mới được giải quyết bồi thường từ quỹ dự phòng giao động lớn, tránh tình trạng sợ tỷ lệ bồi thường cao, thua lỗ, hạ hết dự phòng để bồi thường./.


Không có nhận xét nào: