8/11/11

Cảnh báo bán bảo hiểm cháy, nổ sai đối tượng: Lách luật để trốn phí?

Ngày 5-10, Sở CSPC&CC TP Đà Nẵng nhận đơn tố cáo của ông Trần Công Vinh, trú P. Phước Mỹ (Sơn Trà, Đà Nẵng) tố cáo một số việc làm sai trái của Cty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng (NH) Nông nghiệp Chi nhánh Đà Nẵng (ABIC Đà Nẵng). Nhiều vấn đề trong đơn tố cáo được ông Vinh đặt ra, song Sở CSPC&CC chỉ tiến hành điều tra những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình.
Theo đơn tố cáo của ông Vinh, Chi nhánh ABIC Đà Nẵng đã vi phạm một số quy định về công tác PCCC như: chuyển loại hình thức bảo hiểm từ cháy nổ bắt buộc sang hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt hay mọi rủi ro tài sản của các đối tượng phải tham gia cháy nổ bắt buộc nhằm trốn phí cho doanh nghiệp và tránh nộp phí 5% cho công tác PCCC. Đơn cử vài đơn vị lớn như: tòa nhà Big C, Golden Hill, Tân Cường Thành Đà Nẵng, Kính nổi Chu Lai Quảng , Sà lan chứa dầu Diesel- Marine supply 09 của Cty TNHH Thanh Huyền là đối tượng tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng lại chuyển qua đơn bảo hiểm sà lan bình thường...
Ngày 10-10-2011, Tổ điều tra của Sở CS PC&CC TPĐN đã có buổi làm việc với với Chi nhánh ABIC Đà Nẵng xác minh các trường hợp vi phạm trên và được Chi nhánh ABIC ĐN giải trình như sau: Các hợp đồng AD0001/11B06301; AD0001/11H01/00320; AD0001/11B14/00302; AD0001/11B118/00302; AD001/11B06/00302 của 2 Cty Cổ phần Đức Mạnh và Cty CP DV cáp treo Bà Nà là do 2 đơn vị bảo hiểm đứng đầu là MIC Đà Nẵng (Bảo hiểm Quân đội- chi nhánh Đà Nẵng) và PTI Thăng Long phát hành hợp đồng theo loại hình bảo hiểm: Mọi rủi ro tài sản, Công trình dân dụng, đổ vỡ máy móc và bảo hiểm trách nhiệm công cộng. Chi nhánh ABIC Đà Nẵng chỉ là đơn vị thỏa thuận đồng bảo hiểm, không trực tiếp tham gia đàm phán và ký kết hợp đồng với khách hàng.
Trường hợp Hợp đồng bảo hiểm CT TNHH Dây và cáp điện Tân Cường Thành, do nhiều yếu tố khác nhau trong đó khách hàng yêu cầu tham gia thêm về các quyền lợi rủi ro khác bổ sung kèm theo đơn bảo hiểm cháy, nên Chi nhánh ABIC ĐN đã ký hợp đồng theo loại hình hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt, có hiệu lực từ ngày 15-7-2010 đến 15-7-2011, đến nay hợp đồng này đã hết hạn bảo hiểm. Riêng trường hợp sà lan chứa dầu Marine Supply 09, chi nhánh ABIC ĐN đã phát hành hợp đồng loại hình bảo hiểm tàu thuyền cho CT TNHH Thanh Huyền. Lý do đây là loại phương tiện thủy nội địa (sà lan) nên Chi nhánh ABIC ĐN phải phát hành hợp đồng bảo hiểm có quy tắc phù hợp với đối tượng tài sản được bảo hiểm, vì vậy không ký kết hợp đồng bảo hiểm trên theo đơn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...
Cảnh báo bán bảo hiểm cháy, nổ sai đối tượng: Lách luật để trốn phí?
Các bản hợp đồng vi phạm quy định về PCCC do Chi nhánh ABIC ĐM, MIC ĐN và PTI Thăng Long phát hành.
Qua xác minh, làm rõ, Tổ kiểm tra CSPC&CC TP Đà Nẵng đã có cơ sở kết luận như sau: Qua kiểm tra 4 hợp đồng đã được ký kết với các doanh nghiệp nêu trên thì cả 4 doanh nghiệp đều thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng cả 4 trường hợp đã được ký kết đều thể hiện loại hình cháy, nổ theo hình thức tự nguyện, như vậy là không đúng theo quy định tại Phụ lục 1, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4-4-2003 của Chính phủ và điểm 1, điều 2 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 5-10-2006 của Chính phủ, đồng thời đã vi phạm tại điểm 2, điều 26 Nghị định số 123/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC...
Ngoài Chi nhánh ABIC Đà Nẵng vi phạm tại điểm 2, điều 26 Nghị định số 123 của Chính phủ còn 2 doanh nghiệp cũng sai phạm trong việc bán bảo hiểm cháy, nổ không đúng quy định, gồm: Cty CPBH Bưu điện Thăng Long ký hợp đồng bán bảo hiểm cháy, nổ theo hình thức tự nguyện với Cty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà; Cty CP Bảo hiểm Quân Đội, Chi nhánh Đà Nẵng ký hợp đồng bán bảo hiểm cháy, nổ theo hình tự nguyện với Cty CP Đức Mạnh.
Qua đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật, Sở CSPC&CC TPĐN giao cho Phòng Hướng dẫn về phòng cháy lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với 3 doanh nghiệp không bán Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là Chi nhánh ABIC Đà Nẵng; Cty CP Bảo hiểm Bưu điện Thăng Long và Cty CP Bảo hiểm Quân đội, chi nhánh Đà Nẵng bằng hình thức phạt tiền với khung hình phạt tối đa của hành vi trên là 5.000.000 đồng Thông báo cho các doanh nghiệp đã mua bảo hiểm cháy, nổ theo hình thức tự nguyện phải mua bổ sung bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (được biết, đến thời điểm này Cty TNHH Thanh Huyền đã mua bổ sung bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho sà lan chứa dầu Marine Supply 09).
Được biết tình trạng bán bảo hiểm cháy, nổ sai quy định diễn ra khá phổ biến ở nhiều đơn vị bảo hiểm, bài viết này nhằm cảnh báo, nhắc nhở để các đơn vị Bảo hiểm và cả đơn vị mua bảo hiểm phải tuân thủ đúng pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Theo CA Đà Nẵng

Không có nhận xét nào: