29/6/11

Thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ Việt Nam: Những vấn nạn “nóng”

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (BH PNT) 5 tháng đầu năm 2011 vẫn đang tiếp tục tăng trưởng tốt với doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 8.200 tỉ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2010.Dự kiến 6 tháng đầu năm, doanh thu bảo hiểm gốc sẽ đạt 10.105 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Năng lực tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng được cải thiện rõ ràng, thể hiện ở phí nhượng tái bảo hiểm trong nước chiếm tỉ lệ gần 40%, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường bảo hiểm nước ngoài…
 Ngoài ra, những bổ sung và sửa đổi trong Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa vào áp dụng trong năm nay đã mở ra những cơ hội lớn cho các DNBH Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh đó, thị trường vẫn còn những khó khăn, thách thức cũ nhưng không thể bỏ qua, những vấn nạn tồn tại từ lâu nhưng vẫn luôn nóng:

Thứ nhất, lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí bồi thường cho các DNBH. Lạm phát tăng sẽ khiến giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao, điều này đương nhiên dẫn tới chi phí bồi thường tăng ở các nghiệp vụ có đơn bảo hiểm mà mức bồi thường tính theo giá thị trường;

Thứ hai, cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng chi phí khai thác dịch vụ. Tình hình cạnh tranh giảm phí, hạ mức khấu trừ, mở rộng điều kiện bảo hiểm… trên thị trường ngày càng quyết liệt, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm hỗn hợp…

Thứ ba, trục lợi bảo hiểm. Đây là vấn đề đã diễn ra ở Việt Nam từ rất lâu nhưng thời gian gần đây có xu hướng gia tăng nhiền hơn. Trục lợi bảo hiểm xảy ra sẽ khiến các DNBH không những phải chịu thiệt hại lớn về tài chính mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín, thương hiệu và hình ảnh.

Thứ tư, khó khăn của các DNBH trong nước khi cạnh tranh với các DNBH nước ngoài. Đặc biệt là khi bán sản phẩm qua biên giới và thành lập chi nhánh DNBH PNT nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thứ năm, sự phối hợp giữa Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (CQLGSBH) và Hiệp hội bảo hiểm (HHBH) Việt Nam chưa đồng bộ và chặt chẽ. Đặc biệt là trong việc giải quyết những vướng mắc về nghiệp vụ bảo hiểm cho DNBH và việc lập kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động nghiệp vụ trong năm.

Thứ sáu, sai phạm trong hoạt động kinh doanh của các DNBH. Có thể kể ra đây một loạt những ví dụ như: Thực hiện khuyến mãi, bồi thường sai quy định… Thực hiện tái bảo hiểm không thống nhất giữa hợp đồng gốc với hợp đồng tái về mức phí, hoa hồng, mức khấu trừ bảo hiểm… Thực hiện đầu tư không đúng quy định; trích lập dự phòng nghiệp vụ chưa đầy đủ…

Cuối cùng, nhân sự yếu về chuyên môn nghiệp vụ và lãnh đạo thiếu về kỹ năng quản lý trong DNBH. Có một thực tế trên thị trường BH PNT Việt Nam hiện nay là mức tăng về số lượng luôn lớn hơn nhiều so với mức tăng về chất lượng nhân lực. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua hình ảnh số lượng đại lý bảo hiểm đăng ký hoạt động tăng lên nhanh nhưng cũng giải thể nhanh do hoạt động kém hiệu quả hiện nay.

Năm 2011 đã đi qua được gần nửa chặng đường, muốn đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch năm cũng như mục tiêu tăng trưởng 18-20%  của khối PNT trong “Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020” của CQLGSBH, Bộ Tài chính thì đòi hỏi mỗi DNBH cũng như CQLGSBH và HHBH phải có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục, giải quyết một cách nhanh nhất những khó khăn và tồn tại kể trên.

Kỳ Anh (Theo Năng lượng Mới)

Thấy gì từ làn sóng lên "tổng" của các DN bảo hiểm

Chuyển đổi mô hình họat động đang là ưu tiên lựa chọn của các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Việc chuyển đổi chỉ là "bình cũ rượu mới" hay là thay "chiếc áo đã chật"?Không chỉ kinh doanh bảo hiểm, do nằm trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã được "chỉ định" nắm giữ cổ phần tại một doanh nghiệp truyền thông, quản lý Bệnh viện Dung Quất…
Bên cạnh đó, trước nhu cầu mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm, vừa qua PVI đã quyết định chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Cơ cấu tổ chức của DN này giống như một tập đoàn, mặc dù tên vẫn là tổng công ty.

Không có thêm nhiều hoạt động mới như PVI, nhưng thị trường bảo hiểm cũng chứng kiến sự chuyển đổi mô hình hoạt động của nhiều DN thuộc phân khúc trung bình. Ngày 10/6, Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã ra mắt dưới tên gọi mới là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội và các công ty bảo hiểm MIC khu vực phía Bắc.

Như vậy, MIC sẽ có 19 công ty thành viên trực thuộc và một công ty đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính… Sau khi lên "tổng", MIC đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%, lợi nhuận tăng 20% so với năm 2010.

Trong quý III/2011, dự kiến MIC sẽ tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, nếu điều kiện cho phép, Tổng công ty sẽ xin thành lập thêm 5 công ty thành viên tại miền Bắc và miền Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình tổng CTCP góp phần tạo điều kiện cho MIC có thể phát huy tốt nguồn nhân lực sẵn có, mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng lĩnh vực kinh doanh, phát triển thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm mới.

Một gương mặt có tuổi đời còn khá trẻ là CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC) cũng vừa thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động. Sau gần 3 năm hoạt động với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và các cổ đông, SVIC đã có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô, phạm vi họat động.

Năm 2010, SVIC trở thành DN bảo hiểm đứng thứ 13/28 DN bảo hiểm phi nhân thọ, tăng 4 bậc so với năm 2009, chiếm 1,62% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ. SVIC đã mở rộng mạng lưới kinh doanh bảo hiểm với 14 công ty thành viên và hơn 30 phòng bảo hiểm tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.

Nói về mục tiêu khi chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng công ty, ông Bùi Đức Song, Tổng giám đốc SVIC cho biết, việc chuyển đổi mô hình giúp SVIC ngang tầm các DN bảo hiểm khác khi cung cấp các dịch vụ bảo hiểm lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho SVIC trong kinh doanh và phù hợp với tầm vóc phát triển của DN trong giai đoạn mới.

Sau khi cổ phần hoá năm 2010, Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC) đã thực hiện chuyển ngay sang mô hình tổng CTCP. Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC cho rằng, thay đổi mô hình hoạt động BIC không chỉ về mặt tên gọi, hình thức, mà sẽ là tiền đề cho những thay đổi toàn diện về tư duy kinh doanh, hiệu quả hoạt động.

Đợi thay đổi về chất

Nói về việc chuyển đổi mô hình lên tổng và chuyển đổi các chi nhánh thành công ty của các DN bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, điều này giúp tư cách pháp nhân của DN có vị thế cao hơn khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng. Việc chuyển lên tổng cũng tạo điều kiện cho các DN mở mang kinh doanh xung quanh lĩnh vực chính như: đầu tư, giám định, phương tiện giao thông, gara ôtô…

Tuy nhiên, theo ông Lộc, việc lên tổng cũng đặt các DN trước thách thức về quản trị nguồn nhân lực, quản trị công nghệ. Làm thế nào để có được các giám đốc công ty đủ tầm thay vì giám đốc chi nhánh như trước đây trong bối cảnh nhân lực ngành bảo hiểm ngày càng khan hiếm.

Bên cạnh đó, việc mở rộng kinh doanh khiến quản trị rủi ro trở thành thách thức không nhỏ. Hệ thống công nghệ thông tin vốn còn nhiều tồn tại, khi chuyển sang mô hình tổng công ty, nếu không được đầu tư mạnh mẽ sẽ không tương thích, thông suốt…

Một chuyên gia về bảo hiểm thì cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất và đảm bảo hiệu quả hoạt động đối với DN khi chuyển thành tổng công ty là quy mô doanh thu và vốn chủ sở hữu. Một công ty thuộc tổng công ty sẽ yêu cầu mức doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm, lớn hơn nhiều so với một chi nhánh trước đây.

Và chỉ DN có quy mô vốn lớn (hiện tại đa số ở mức trên 300 tỷ đồng) mới có thể thành lập công ty đầu tư riêng biệt thay vì là một phòng ban trong công ty. Nếu nhìn vào những tiêu chí này, rõ ràng các DN phải mở rộng kinh doanh, nâng quy mô vốn điều lệ nhiều hơn sau khi lên "tổng".

Theo Đông Hải
ĐTCK

Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ 1-7: Hướng đến quyền lợi lâu dài của người nông dân

1-7, thời điểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang đến gần, sẽ có 21 địa phương được thực hiện thí điểm đầu tiên. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu cuối cùng của thực hiện thí điểm là nhân rộng mô hình này.Doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng.Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 – 2013 từ ngày 1-7 tại 21 tỉnh. Trong đó thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.
Bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội. Bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Trước đây, không phải việc thực hiện thí điểm BHNN chưa từng triển khai. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thí điểm nhưng hiện nay đều đã phải ngưng hoạt động này. Một doanh nghiệp đã từng tham gia lĩnh vực này cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Bảo hiểm cho vật nuôi, cây trồng cũng có nghĩa là bảo hiểm cho những rủi ro khó xác định. Và tập quán sản xuất nhỏ lẻ, khiến doanh nghiệp khó ký hợp đồng với mọi hộ, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, mô hình sản xuất nhỏ khiến nguồn lực người nông dân phân tán, khó có thể đầu tư trang thiết bị, nâng cao kỹ thuật canh tác để tạo ra sản vật có số lượng lớn, chất lượng cao và ổn định.
Một khó khăn nữa của việc triển khai BHNN là, tuy mốc 1-7 đã cận kề, song xem ra, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp tham gia thị trường này chưa thật tích cực. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó TGĐ Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, để triển khai thí điểm BHNN còn rất nhiều việc phải làm. Là một doanh nghiệp lớn trên thị trường, Bảo Việt sẽ tham gia nhưng để có con người và bộ máy làm BHNN, vẫn cần thời gian chuẩn bị. "Bản thân chi nhánh tại các địa phương chỉ có vài chục người nhưng đang làm rất nhiều việc. Trong khi đó, BHNN khá mới nên phải đầu tư nguồn nhân lực”.
Thêm vào đó, người nông dân nhiều khi cũng thờ ơ với việc mua bảo hiểm cho nông nghiệp khi mà giá cả đầu ra của nông sản bấp bênh, họ cũng khó xác định được thu nhập để biết được thiệt hại xảy ra nếu có dịch bệnh, thiên tai. Đó là những bất cập khiến việc thực hiện BHNN khó khả thi.

Hướng nông dân sản xuất quy mô lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng, việc triển khai BHNN không đơn giản vì mỗi tỉnh, thành phố phải chọn lựa một vùng bảo hiểm riêng và phù hợp. Đơn cử như tỉnh Nghệ An chọn bảo hiểm cho cây lúa thì không thể chọn những huyện vùng cao như Quỳ Hợp, Quế Phong... được, mà phải chọn các huyện như Hưng Nguyên. Song, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, có khó đến mấy cũng phải thực hiện bằng được bởi hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam có đến hàng trăm triệu con; diện tích lúa hàng hóa, chăn nuôi thủy sản cũng phát triển nhanh. Nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại rất khó lường, không chỉ tác động trực tiếp tới đời sống nông dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và an ninh lương thực quốc gia.

Những khó khăn là có và không thể chủ quan. Song, có một điều chắc chắn cần phải thực hiện để việc thí điểm BHNN được thành công, đó là xây dựng hệ thống chính sách để khuyến khích người nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, bởi nếu chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì mức rủi ro là không nhỏ, như vậy sẽ khó thu hút được doanh nghiệp tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần sự cam kết hỗ trợ của Nhà nước trước những tình huống rủi ro vượt quá sự gánh chịu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để việc thực hiện thí điểm BHNN hiệu quả, đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ cũng đang tính toán rất kỹ mức thu, chi bảo hiểm, để hình thành được các Quỹ bảo hiểm. Trong quỹ đó tính rõ phần của dân, phần của doanh nghiệp và phần của Nhà nước. Với quỹ này, việc thực hiện bảo hiểm mới thực thi được lâu dài.
Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, dự kiến, trong tháng 7 tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành thông tư hướng dẫn và tổ chức họp với các tỉnh theo nhóm sản phẩm bảo hiểm để triển khai thực hiện thí điểm BHNN.

Duy Phương
Báo Đại Đoàn Kết

24/6/11

PJICO hỗ trợ nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc trên cao tôc trung lương

Khoảng 3 giờ sáng ngày 13/06/2011, trên đường cao tốc Trung Lương đoạn qua Bến Lức – Long An, xe khách BKS 53S – 2150 (tham gia bảo hiểm tại công ty bảo hiểm khác) đã đâm vào xe tải BKS 54S – 3411 (tham gia bảo hiểm TNDS tại PJICO) làm 8 người chết và 10 người bị thương.

Được biết nguyên nhân tai nạn là bất khả kháng do xe tải bị nổ lốp đã đâm vào dải phân cách và dừng lại nằm quay ngang trên đường. Khi đó xe khách chạy tốc độ cao không giữ khoảng cách an toàn đã đâm vào xe tải gây tai nạn.
Sau khi nhận được thông tin vụ việc, PJICO đã có mặt kịp thời để hướng dẫn khách hàng làm các thủ tục cần thiết. Hiện tại chưa có kết luận chính xác cuối cùng về nguyên nhân tai nạn của cơ quan công an.
PJICO quyết định hỗ trợ mỗi nạn nhân không may qua đời do vụ tai nạn ở mức 5 triệu đồng/ người

Bảo Việt hợp tác cùng Ngân hàng HSBC triển khai sản phẩm bảo hiểm y tế

Với mong muốn đem đến những sản phẩm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng của khách hàng, tháng 5/2009, Bảo hiểm Bảo Việt đã hợp tác với Ngân hàng HSBC triển khai gói sản phẩm Bảo hiểm sức khoẻ MedicalCare dành cho khách hàng cá nhân và EmployeeCare dành cho khách hàng doanh nghiệp. Thông qua gói sản phẩm bảo hiểm sức khỏe toàn diện MedicalCare và EmployeeCare của Bảo hiểm Bảo Việt, khách hàng của Ngân hàng HSBC sẽ được tận hưởng dịch vụ và những sản phẩm cao cấp nhất từ hai trong số những tập đoàn tài chính lớn nhất Việt Nam 
Bảo hiểm sức khoẻ Medical Care và EmployeeCare bao gồm cả chi phí phẫu thuật và điều trị nội trú trong 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, bất kể trường hợp khách được bảo hiểm đang ở công ty, nhà riêng hay đi công tác, du lịch. Khách hàng cũng có thể lựa chọn các quyền lợi bổ sung cho bảo hiểm y tế mà mình lựa chọn bao gồm bảo hiểm trong các trường hợp điều trị ngoại trú, trợ cấp mất giảm thu nhập, chăm sóc sản khoa, nha khoa và các trường hợp vận chuyển y tế cấp cứu. Với 2 gói sản phẩm này, Ngân hàng HSBC cũng cung cấp tiện ích tự khấu trừ tiền phí hàng năm vào tài khoản, tự động gia hạn hợp đồng và quyền tự chọn mở rộng đối tượng bảo hiểm cho các thành viên trong gia đình trong cùng một hợp đồng bảo hiểm. Khách hàng có thể mở rộng phạm vi bảo hiểm sang nhiều nước và vùng lãnh thổ khác tại Châu Á với một khoản phí cộng thêm.

Ngoài ra, khách hàng của gói sản phẩm Medical Care và EmployeeCare còn được hưởng lợi từ dịch vụ thanh toán viện phí trực tiếp thông qua hệ thống bảo lãnh viện phí của Bảo hiểm Bảo Việt tại các bệnh viện hàng đầu Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng. Với MedicalCare và EmployeeCare, khách hàng còn được hỗ trợ tư vấn dịch vụ thông qua hệ thống đường dây nóng 24 giờ, tùy ý lựa chọn bác sĩ và bệnh viện. 

Hai sản phẩm mới này tiếp nối chuỗi các sản phẩm được Bảo hiểm Bảo Việt và Ngân hàng HSBC hợp tác triển khai và phân phối thành công trước đó, như ảo hiểm Xe ô tô, Bảo hiểm Nhà ở, Bảo hiểm An Toàn Cá Nhân cho khách hàng cá nhân; dịch vụ Bảo hiểm Hàng hóa vận chuyển, Bảo hiểm Tài sản doanh nghiệp và Bảo hiểm Nhân sự chủ chốt cho khách hàng doanh nghiệp.

PVI và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hợp tác cung cấp dịch vụ

Ngày 22/6/2011 tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức lễ ký Thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ y tế giữa hai bên.CôngThương - Theo thỏa thuận, khách hàng thuộc chương trình Bảo hiểm Chăm sóc sức khỏe của PVI sẽ được ưu tiên khám, điều trị, chăm sóc và được bảo lãnh viện phí tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW sẽ hợp tác với PVI trong việc tư vấn và cung cấp các dịch vụ y tế cho Bệnh viện Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Bệnh viện Dầu khí Việt Nam – đơn vị trực thuộc PVI.  

Về phần mình, PVI sẽ là nhà bảo hiểm tham gia tư vấn và thu xếp các chương trình bảo hiểm trong phạm vi PVI được phép kinh doanh cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW với mức phí bảo hiểm cạnh tranh và điều kiện điều khoàn bảo hiểm hợp lý. PVI cũng cam kết đưa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW vào danh sách các bệnh viện có uy tín để giới thiệu đến các khách hàng tham gia Bảo hiểm Chăm sóc sức khỏe của PVI.

Thỏa thuận này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm con người của PVI cũng như tăng cường chất lượng hoạt động của Bệnh viện Dung Quất. Trong thời gian tới, PVI dự kiến sẽ tiếp tục có các thỏa thuận với các bệnh viện lớn khác để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm bảo hiểm cung cấp cho khách hàng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW thuộc Bộ Y tế là tuyến cao nhất khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng về các bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới. Bệnh viện có trung tâm xét nghiệm kỹ thuật cao đạt chuẩn quốc gia và quốc tế do ĐH Oxford (Anh) tài trợ, được trang bị các máy xét nghiệm hiện đại như xét nghiệm căn nguyên virus, vi khuẩn, ký sinh trùng bằng PCR, RT – PCR; giải trình tự gen, xác định kháng thuốc HBV, HCV, xác định vi khuẩn và kháng sinh đò bằng máy định danh tự động VITEC 2 Compact.

21/6/11

BIC chấp thuận niêm yết 66 triệu cổ phần

(DVT.vn) - Công ty sẽ được niêm yết 66 triệu cổ phần với mã giao dịch BIC tại HSX.

Ngày 20/06, sở giao dịch chứng khoán TPHCM đã ký quyết định số 91/2011/QĐ-SGDHCM về việc chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Theo đó, công ty sẽ niêm yết 66 triệu cổ phiếu trên HSX với mã giao dịch BIC.Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết là 660 tỷ đồng.
Năm 2011, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.085 tỷ đồng, riêng doanh thu phí bảo hiểm đạt 716 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 100 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam ra đời trên cơ sở chiến lược thành lập tập đoàn tài chính mang thương hiệu BIDV thông qua việc BIDV mua lại cổ phần của tập đoàn bảo hiểm quốc tế QBE (Australia).
Ngày 1/10/2010, công ty được chuyển sang mô hình Tổng CTCP với vốn điều lệ 660 tỷ đồng với 19 chi nhánh được chuyển thành công ty thành viên. Công ty có trụ sở chính tại tầng 16, tháp A, toà nhà Vincom, 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
BIC là công ty thứ 7 thuộc ngành bảo hiểm được chấp thuận niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thùy Trang

75% doanh nghiệp xuất khẩu chưa tham gia bảo hiểm tín dụng

Theo luật sư Võ Nhật Thăng, doanh nghiệp nên mua FOB, bán CIF và tự mua bảo hiểm sẽ chủ động tăng đối kháng với bất kỳ rủi ro nào xảy ra.Trao đổi ngoài lề hội thảo về rủi ro và giải pháp nâng cao cạnh tranh phát triển bền vững xuất khẩu Việt Nam ngày 20/5, luật sư Võ Nhật Thăng, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, đến nay, chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp làm quen với bảo hiểm tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đã thuê người chuyên chở thì có gì tổn thất sẽ đòi người chuyên chở, không cần tới bảo hiểm. Nhưng thực tế, người chuyên chở chỉ bồi thường ở giới hạn tối thiểu, trong khi đó bảo hiểm bồi thường gần như tối đa.

Trong 3 điều kiện bảo hiểm A,B,C, điều kiện C có mức phí thấp nhất nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhưng khi rủi ro bồi thường lại rất ít. Theo ông Thăng, phải cân nhắc trị giá hàng, nếu hàng tốt hàng giá cao phải mua điều kiện A, hàng thông thường thì mua điều kiện B, C.

            Để tìm được doanh nghiệp có mức bảo hiểm phù hợp về giá cả, trách nhiệm thì phải so sánh đơn chào hàng. Tuy nhiên, ông Thăng khuyến cáo: "đừng nghĩ rằng số tiền bồi thường nhiều đã là tốt, mà phải chú ý tới trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm."

Về phía doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP xuất nhập khẩu Bắc Giang nói, mặc dù là công ty làm ở lĩnh vực xuất khẩu trong nhiều năm nhưng đây mới là lần đầu tiên được tiếp xúc và hiểu rõ hơn về tín dụng xuất khẩu.

Trong bối cảnh lãi suất vay cao, phí bảo hiểm 10-15% cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Hoa cho biết, với thị trường mới, lợi nhuận cao, mạo hiểm nhiều sẽ tham gia những gói bảo hiểm tín dụng thương mại cao hơn. Thị trường quen, có thể không dùng những phương thức bảo hiểm này.

 Nên chuyển sang mua FOB bán CIF

            Đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mua CIF và bán FOB nên phần vận tải phía Việt Nam không thu xếp được, sẽ rất bị động vì bị đối tác nước ngoài “ấn” cho các điều kiện bảo hiểm rẻ.

Do đó, theo ông Thăng, thà doanh nghiệp bán CIF, mua FOB - tự mua lấy bảo hiểm thì sẽ chủ động tăng đối kháng khi có bất kỳ rủi ro nào xảy ra.
            Nếu thu xếp mua được tín dụng đối với hàng xuất khẩu thì tỷ lệ hàng xuất khẩu bán CIF sẽ tăng lên. Còn nếu không thu xếp được nhà cung cấp bảo hiểm có tín nhiệm thì đối tác nước ngoài sẽ không muốn mua bảo hiểm đó ở Việt Nam. Như vậy, tỷ lệ bán CIF sẽ không nhiều, đồng nghĩa kim ngạch xuất khẩu tăng ì ạch.
           
Theo ông Thăng, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là không hiểu một cách đầy đủ điều kiện bảo hiểm thông lệ quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp quốc tế đã áp dụng điều kiện bảo hiểm năm 2009, nhưng phía Việt Nam vẫn quen áp dụng luật năm 1982 và không quen với những điều kiện bảo hiểm mới.
           
Tình hình đã thay đổi nhiều, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu kỹ các điều kiện, thông lệ quốc tế để đưa vào hợp đồng mới và nên có bộ phận chuyên gia, luật sư nghiên cứu, cập nhật thường xuyên những thông tin mới để tránh thiệt hại không đáng có khi làm việc với đối tác nước ngoài do không am hiểu luật quốc tế.

Bích Diệp
Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu

Kiến nghị mua bảo hiểm cho cây xanh


Tình trạng cây gẫy đổ mỗi khi mưa bão đến, gây thiệt hại về tài sản không còn xa lạ với người Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã trao đổi với báo Thanh Niên xung quanh vấn đề này.Công ty TNHH nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (CVCX) có các biện pháp gì để phòng chống việc cây đổ có thể gây tai nạn bất ngờ cho người và phương tiện giao thông trên đường, thưa ông?

Hiện nay, Công ty CVCX quản lý khoảng 42.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên các tuyến phố tại địa bàn 9 quận và 1 huyện của Hà Nội. Trong số này, có khoảng 5000 cây không thuộc chủng loại cây đô thị cần phải thay thế, đến nay công ty đã loại bỏ hơn 2.500 cây để trồng thay thế bằng loại cây phù hợp hơn. Để phòng chống việc cây đổ, gẫy trong mùa mưa bão gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông, công ty cắt sửa từ 3.500-4.000 cây nặng tán, nguy hiểm, chặt hạ từ 900-1000 cây sâu mục, chết khô và chặt hạ 150-200 cây cong, nghiêng, xấu, cản trở giao thông, cây không thuộc chủng loại đô thị theo khối lượng đặt hàng hàng năm của UBNDTP Hà Nội. Công ty phải thường xuyên điều tra, khảo sát sớm, phát hiện kịp thời những cây xanh nguy hiểm để đưa vào kế hoạch chặt hạ, cắt sửa kịp thời trước mùa mưa bão.

* Những năm qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn do cây đổ vào người và phương tiện giao thông trên đường trong những ngày mưa to, gió lớn, bão lốc. Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

Công ty CVCX không phải là chủ sở hữu của hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố. Cho đến thời điểm này, chưa có một quy định cụ thể nào về trách nhiệm của Công ty CVCX đối với những trường hợp cây đổ, cành gẫy do bất khả kháng và do mưa bão gây thiệt hại cho người và phương tiện lưu thông trên đường phố. Nhưng hiện nay, Công ty CVCX có kiến nghị với Thành phố cho phép công ty mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết hỗ trợ những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng làm cho cây đổ, cành gẫy gây thiệt hại cho người và tài sản. Kiến nghị này đã trình ngày 18.4.2011 và hiện Thành phố chưa có quyết định chính thức.

* Mùa mưa bão năm nay dự kiến có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường, công ty có chuẩn bị các phương án phòng chống, giải tỏa cây đổ trên địa bàn thành phố?

Cuối tháng 4.2011, Công ty CVCX vừa báo cáo với Thành phố về phương án dự kiến tổ chức giải tỏa cây bị đổ trên các tuyến phố sau một trận bão lớn với mục tiêu hàng đầu: cần nhanh chóng ưu tiên giải quyết ngay các cây đổ trong tình trạng gây nguy hiểm, đe dọa đến tài sản, tính mạng con người; giải tỏa các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, đảm bảo chậm nhất sau 8 giờ phải thông đường; sau 5 ngày kể từ khi có bão gây đổ cây, phải hoàn thành toàn bộ các khâu: cắt cành, dọn lá,cắt thân cây, đánh gốc, vệ sinh san lấp để trồng cây thay thế. Trường hợp cần giải tỏa khẩn cấp số cây đổ, công ty sẽ huy động 400 cán bộ, công nhân viên và 16 ô tô các loại.

Việt Chiến
Thanh Niên Online

Tiêu điểm tháng 6: Nghị quyết CEO nhân thọ lần thứ XVIII và Nghị quyết CEO Phi nhân thọ lần thứ IX

Nghị quyết CEO nhân thọ XVIII 
Ngày 20/05/2011, Hội nghị CEO nhân thọ lần thứ XVIII được tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Hội nghị cùng đánh giá tổng quan thị trường bảo hiểm nhân thọ 3 tháng đầu năm 2011. Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát và kỳ nghỉ Tết kéo dài, song các Doanh nghiệp Bảo hiểm (DNBH) đã có nhiều cố gắng. Các chỉ tiêu về doanh thu khai thác mới, tổng doanh thu, số lượng hợp đồng khai thác mới, tổng số lượng hợp đồng, số lượng đại lý đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả tiến hành sửa đổi “Quy chế hệ thống AVICAD” và xây dựng “Tiêu chuẩn đạo đức đại lý bảo hiểm nhân thọ” của Tiểu ban pháp chế, quản lý đại lý và xin ý kiến lãnh đạo DNBH. Bản dự thảo lần thứ IV trình Hội nghị CEO lần thứ XVIII đã được thông qua.
Hội nghị đã nghe báo cáo việc triển khai “Kế hoạch tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ” do Hội nghị CEO XVII đề ra.
Hội nghị đã nghe báo cáo triển khai công tác tư vấn phản biện xây dựng thông tư hướng dẫn chế độ hạch toán kế toán trong lĩnh vực bảo hiểm.
TạI hội nghị Ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đánh giá cao cố gắng của các DNBH trong năm 2010, đồng thời chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần khắc phục của các DNBH nhân thọ cũng như thị trường bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra Ông Ngô Việt Trung cũng đã đưa ra một số giải pháp cần thiết để đẩy mạnh thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển bền vững.
Hội nghị đã thảo luận một số chương trình hoạt động của khối nhân thọ trong năm 2011. Sau khi thảo luận, Hội nghị đã nhất trí chương trình hoạt động năm 2011:
1. Giao cho Tiểu ban Pháp chế sửa đổi, bổ sung hợp đồng mẫu bảo hiểm nhân thọ sao cho một số nội dung, từ ngữ thống nhất, phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật bảo vệ người tiêu dùng.
2. Giao cho Tiểu ban Pháp chế  sửa đổi, bổ sung “Thỏa thuận hợp tác phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ” (được ký kết vào ngày 10/07/2000) sao cho phù hợp với luật hiện hành cũng như tình hình thực tế của thị trường bảo hiểm nhân thọ.
3. Các DNBH và Hiệp hội Bảo hiểm tiếp tục đóng góp ý kiến vào “Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm” và tham dự, đóng góp ý kiến vào văn bản trên tại Hội nghị do Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 24/06/2010.
4. Giao cho Tiểu ban Đào tạo lựa chọn cơ sở đào tạo, xây dựng nội dung “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho ngành bảo hiểm nhân thọ”.
5. Các DNBH phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thực kế hoạch tuyên truyền trên: Chuyên trang “Bảo hiểm” của Thời báo Tài chính Việt Nam; Chuyên mục “Bảo hiểm và đời sống” phát sóng trên VTV3.
6. Nhất trí cần xây dựng danh sách các cơ sở y tế khám chữa bệnh và danh sách đội ngũ y bác sĩ có hiện tượng bất thường (gây hậu quả: tăng chi phí điều trị thuốc men, tăng tiền bồi thường bảo hiểm một cách phi lý) để các DNBH cùng chia sẻ. Giao cho Tiểu ban Pháp chế thực hiện và đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kết nối thông tin, chia sẻ với các DNBH khối phi nhân thọ.

NGHỊ QUYẾT CEO PHI NHÂN THỌ LẦN THỨ IX
Hội nghị CEO phi nhân thọ lần thứ IX được tổ chức ngày 27/05/2011 tại TP. Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định với sự tham dự của 29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
Hội nghị được nghe Ông Phạm Đình Trọng - Phó cục trưởng, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phát biểu ý kiến ghi nhận , đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của lãnh đạo các DNBH. Đề nghị các DNBH tiếp tục quan tâm tới đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tuân thủ đúng quy định về cơ cấu vốn điều lệ và vốn đầu tư tài chính. Khuyến cáo các DNBH cần quan tâm việc cho nợ phí nhưng vẫn phải chuyển phí tái bảo hiểm và doanh thu để ở tài khoản ngoài bảng. Cần kiểm soát chặt chẽ giao dịch hợp đồng bảo hiểm bằng điện tử không để hợp đồng vô hiệu. Cần hiểu rõ hơn về bancasurance chỉ là kênh phân phối. Đề nghị các DNBH tiếp tục thực hiện các đề án lớn của Bộ tài chính về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh, bảo hiểm năng lượng nguyên tử.
Hội nghị đã nghe các đại biểu thảo luận về: Trục lợi bảo hiểm; Sự cần thiết xây dựng phí sàn; Đề nghị tư vấn chính sách thuế nhất là thuế nhà thầu tái bảo hiểm; Cần cạnh tranh lành mạnh để phát triển; Không nên vì sức ép bồi thường nhanh mà làm ẩu; thiết kế sản phẩm phù hợp và xây dựng quy trình khai thác, giám định bồi thường có nội dung phòng chống trục lợi bảo hiểm. Đề nghị Bộ tài chính nghiên cứu thêm một số DNBH bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng mẹ (Ngân hàng thành lập DNBH) được trợ giúp rất nhiều từ tuyển dụng, trả lương công tác phí trong thời gian đào tạo, sử dụng ấn chỉ, văn phòng của ngân hàng nhưng không được hoàn trả các chi phí này. Việc thành lập Hiệp hội Bảo hiểm địa phương là chưa thích hợp với trình độ của lãnh đạo các chi nhánh, công ty thành viên của DNBH tại địa phương.
Sau khi thảo luận Ông Trần Vĩnh Đức thay mặt đoàn Chủ tịch tổng kết và đưa ra Nghị quyết hội nghị:
1. Đánh giá cao những thành tích và nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên các DNBH phi nhân thọ đã vượt qua thách thức, phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2010 và 3 tháng đầu năm 2011 với những dấu hiệu đáng mừng: Số lượng DNBH thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm ngày càng giảm; Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật đã hạ nhiệt; Nhiều DNBH đã quản lý tốt rủi ro, chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng doanh thu bằng mọi giá.
2. Các DNBH cần thấy được những khó khăn thách thức trước mắt do hậu quả lạm phát và lâu dài là chấp nhận nâng cao năng lực cạnh tranh  khi  mở cửa thị trường với việc DNBH nước ngoài được bán sản phẩm qua biên giới và thành lập chi nhánh DNBH phi nhân thọ tại Việt Nam. Đồng thời các DNBH cần nắm bắt các cơ hội mới để phát triển bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh, bảo hiểm năng lượng nguyên tử. Thiết kế sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế và đời sống xã hội.
3. Các CEO cần chỉ đạo DNBH của mình thực hiện các giải phát để phát triển theo hướng: Phát triển bền vững, vừa tăng trưởng được doanh thu, vừa có hiệu quả về hoạt động kinh doanh bảo  hiểm, vừa an toàn về khả năng tài chính, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
4. Các CEO cần chỉ đạo DNBH của mình thực hiện tốt các chương trình hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam do Hội nghị thường niên và Ban chấp hành đề ra, trong đó có các chương trình đã và đang được triển khai trong 5 tháng đầu năm.
5. Đề nghị Cơ quan thường trực Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức xin ý kiến các Hội viên về việc thành lập Hiệp hội Bảo hiểm địa phương thêm một lần nữa.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Tái bảo hiểm quốc gia (VNR): 28/6 chốt danh sách để thưởng cp tỷ lệ 2:1


(Stox.vn)-Ngày 28/06, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) dự kiến chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 tăng vốn lên 1.088 tỷ đồng.Theo đó, Công ty sẽ phát hành hơn 33,6 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1 (tức cổ đông sở hữu 2 cổ phần tại ngày chốt danh sách thực hiện quyền được nhận 1 cổ phiếu mới).Nguồn vốn phát hành cổ phiếu thưởng là từ nguồn thặng dư vốn cổ phần của Tổng Công ty tại thời điểm 31/12/2010 (ghi nhận trên BCTC hợp nhất năm 2010 là 1.104,1 tỷ đồng).


Sau đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 672 tỷ đồng lên 1.088 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 336 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến chốt danh sách cổ đông ngày 28/06/2011.
Về địa điểm thực hiện:

Đối với chứng khoán lưu ký: người sở hữu làm thủ tục nhận cổ phiếu thưởng tại các TVLK nơi mở tài khoản lưu ký.

Đối với chứng khoán chưa lưu ký: người sở hữu làm thủ tục nhận cổ phiếu thưởng tại Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, địa chỉ: Tầng 7 - 141 Lê Duẩn - Hoàn Kiếm - Hà Nội (vào các ngày làm việc trong tuần trừ các ngày nghỉ lễ theo quy định) từ ngày 11/07/2011.

Thanh Hà
VNR

Cháy lớn tại chợ Vinh, hàng trăm ki ốt bị thiêu rụi


(Dân trí) - Vào khoảng 20h tối 20/6, đám cháy bắt đầu bùng phát tại khu vực đình phụ chợ Vinh và phải 2 tiếng sau, lực lượng chức năng mới khống chế được ngọn lửa. Hàng trăm ki ốt đã bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.Hơn chục xe chữa cháy cùng hàng trăm lính cứu hoả đã được huy động tới hiện trường. Tuy nhiên, do đám cháy quá lớn nên việc khống chế ngọn lửa gặp rất nhiều khó khăn. Đến 21h10, đám cháy đã thiêu rụi một nửa khu vực đình phụ của chợ Nghệ An và vẫn tiếp tục lan nhanh.
 Phải đến 22h10’ (sau hơn 2 giờ cháy), đám cháy cơ bản được dập tắt, nhưng vẫn còn lửa cháy âm ỉ, khói bốc ra nhiều... Theo thống kê chưa đầy đủ đã có 110 ki ốt kinh doanh vó lưới, đan, chổi, sắt, máy nổ, hàng thuốc bắc đã bị cháy sạch. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng gần 10 tỷ đồng.

Theo những tiểu thương ở đây thì đám cháy bắt đầu từ một gian hàng trong khu bán lưới, hàng sắt và sơn sau đó nhanh chóng lan rộng ra cả khu... Công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy. 

Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng mạnh, nhưng tính hiệu quả chưa cao


Petrotimes đưa ra đánh giá về ngành Bảo hiểm của Việt Nam, theo đó, các DN Bảo hiểm tuy đạt được tốc độ tăng doanh thu 25%/năm trong vòng 5 năm gần đây nhưng thị trường Bảo hiểm vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.Doanh thu tăng 25%/năm.Doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 25%/năm trong vòng 5 năm gần đây. Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng tính hiệu quả của thị trường vẫn chưa cao.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và hội nhập mạnh mẽ, với 29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh thu phí bảo hiểm trên toàn thị trường luôn có tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 25%/năm trong vòng 5 năm gần đây. Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng tính hiệu quả của thị trường vẫn chưa cao.

Kết thúc năm 2010, trong nhóm 5 DNBH lớn nhất thị trường thì tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Bảo Việt là khả quan nhất, đạt trên 15,6%, trong khi Pjico là doanh nghiệp có chỉ số này thấp nhất với chỉ 7,8%. PTI đứng thứ hai với tỉ suất lợi nhuận trên vốn đạt 11,5%, xếp sau lần lượt là Bảo Minh và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI).
Trong ba “ông lớn” của bảo hiểm phi nhân thọ thì chỉ có Bảo Việt đạt hiệu quả tốt. Nhưng thực chất tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Bảo Việt cao là do vốn chủ sở hữu của Bảo Việt thấp mà Quỹ Dự phòng nghiệp vụ cao. Vì vậy có thể sử dụng để đầu tư tài chính cũng như gửi ngân hàng, đặc biệt trong tình hình lãi suất tiền gửi cao như hiện nay cũng giúp cải thiện tính hiệu quả.

PVI so với năm trước có tỉ suất lợi nhuận giảm còn Bảo Minh lại tăng lên tương đối và vượt chính PVI về hiệu quả. Điều này là do năm 2010, Bảo Minh đã tập trung chú trọng nhiều hơn vào hiệu quả hoạt động. Đây cũng là lý do vì sao tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc của Bảo Minh năm qua chỉ đạt con số 6%. Về phần mình, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ năm 2010 của PVI lại tăng lên nhiều so với năm 2009 (từ 889 tỉ đồng lên 1,187 tỉ đồng), đồng thời thặng dư vốn của PVI cũng đạt tới con số 1,622 tỉ đồng, đây là một ưu thế cạnh tranh của PVI so với các DNBH còn lại trong năm 2011 về khả năng vốn kinh doanh nếu như doanh nghiệp này sử dụng hiệu quả trong hoạt động đầu tư.

Đối với Bảo Minh, xét riêng tình hình tài chính năm 2011, cũng cho thấy một số rủi ro tiềm tàng, làm cho khả năng sinh lời trong năm 2011 có thể bị ảnh hưởng mạnh. Đó là số tiền phải thu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 180 tỉ đồng (từ tiền bán BaoMinh – CMG), khoản phải thu từ ACL2 (Công ty Cho thuê tài chính II) vào khoảng 250 tỉ đồng, trong khi công ty này đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, hay như khoản thu nợ 30 tỉ đồng từ Vinashin…, điều này đặt ra cho Bảo Minh yêu cầu phải đẩy mạnh các giải pháp thu nợ để đảm bảo lợi nhuận theo kế hoạch năm 2011.

Xét về khía cạnh tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, mặc dù năm 2010 chỉ tiêu này của các DNBH đều tăng so với năm 2009 nhưng nhìn chung vẫn đang ở mức thấp so với các ngành nghề kinh doanh khác. Trong số các DNBH lớn thì PTI có tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản là cao nhất, các doanh nghiệp còn lại có chỉ tiêu này đều như nhau, nằm trong khoảng 5-6%. Trong số các doanh nghiệp này thì chỉ số của PVI không cao là do tổng tài sản của doanh nghiệp này tăng vào khoảng giữa năm sau khi tăng vốn và bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, với tiềm năng quy mô vốn và tài sản lớn, cùng với nỗ lực tái cấu trúc nhằm chuyên môn hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động đầu tư, PVI được kỳ vọng sẽ đạt mức tỉ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với năm 2010.

Tính hiệu quả của thị trường chưa cao

Câu chuyện về tính hiệu quả xưa nay vẫn là một vấn đề cần cải thiện đối với các DNBH. Mặc dù “sứ mệnh” của ngành kinh doanh bảo hiểm là mang lại sự đảm bảo về mặt tài chính cho khách hàng trước những biến cố, rủi ro nên hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư của các DNBH luôn cần đảm bảo tính thanh khoản và tính an toàn cao, song không vì lẽ đó mà bỏ qua tính hiệu quả của đồng vốn. Năm 2011, nhiều DNBH đã tiến hành tăng vốn, điều này một mặt mang lại áp lực kinh doanh lớn cho bộ máy điều hành doanh nghiệp, nhưng mặt khác lại nâng cao tiềm lực tài chính để các DNBH có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của mình nếu như sử dụng tốt đồng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và Quỹ Dự phòng nghiệp vụ. Như trường hợp của PVI đã đề cập ở trên.

Với tiềm năng quy mô vốn và tài sản lớn, cùng với nỗ lực tái cấu trúc nhằm chuyên môn hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động đầu tư, PVI được kỳ vọng sẽ đạt mức tỉ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với năm 2010.

Petrotimes

20/6/11

Những thay đổi lớn trên thị trường bảo hiểm

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội thông qua ngày 6/12/2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2011. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vốn được coi là khá cởi mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài, với những sửa đổi sắp được thực thi tới đây còn tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn với quy định mở cửa đối với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, cho phép chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam, xóa bảo hiểm nội ngành bằng quy định đấu thầu trong bảo hiểm…
Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "…Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới". Khi đề xuất này được đưa ra từng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Doanh nghiệp bảo hiểm trong nước lo ngại cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vốn đã rất khốc liệt nay sẽ càng khốc liệt hơn. Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm thì cho rằng, quy định này rất tích cực, vì sẽ tạo ra sự thuận lợi cho quản lý và kích thích hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Trong khi đó, người được hưởng lợi là các công ty bảo hiểm nước ngoài lại không quá kỳ vọng vào sự thay đổi này, bởi doanh nghiệp Việt Nam mua bảo hiểm thường dựa trên mối quan hệ có đi có lại. Hơn nữa, khi mua bảo hiểm, người mua cũng cần nắm được những nét cơ bản về đơn vị thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho mình… Do đó, quy định mới này, theo các doanh nghiệp nước ngoài, cũng khó tạo ra được sự thay đổi đột biến trên thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, do đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, nên quyền lợi của bên mua bảo hiểm có thể không được bảo đảm khi xảy ra tổn thất hoặc tranh chấp, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ không đánh giá được đầy đủ về đối thủ cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước có thể gặp khó khăn trong việc quản lý, giám sát. Hơn nữa, việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới còn liên quan đến hoạt động quản lý ngoại hối, do sẽ xuất hiện luồng ngoại tệ di chuyển từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất. Chính vì vậy, khi thực thi luật mới, cần có hướng dẫn chi tiết hơn nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của bên mua bảo hiểm, bảo vệ thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới trong nước, hạn chế lượng ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài.
Để bảo vệ tối đa quyền lợi của bên mua bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mức trích lập quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố hàng năm, nhưng tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm...
Một sửa đổi quan trọng nữa là quy định về đấu thầu và cạnh tranh trong bảo hiểm. Khoản 5, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "Dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đấu thầu về điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm, mức phí, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm và năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc đấu thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của luật này và pháp luật về đấu thầu".
Thực tiễn ở nước ta, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp này thường cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành, trong nhiều trường hợp không bảo đảm tính công khai, minh bạch, làm cho thị trường bảo hiểm bị chia cắt, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh. Kể cả trong trường hợp thực hiện đấu thầu bảo hiểm thì chủ dự án cũng có thể đưa ra các tiêu chí không minh bạch để lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm theo ý chủ quan của họ. Hoặc để thắng thầu, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng hạ phí bảo hiểm xuống quá thấp không tương xứng với rủi ro được bảo hiểm, từ đó dẫn đến không thực hiện được tái bảo hiểm, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn có những e ngại, quy định đấu thầu nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ trong bảo hiểm nội ngành sẽ rất khó khả thi nếu hệ thống pháp luật về cạnh tranh vẫn chưa đầy đủ và thực thi chưa nghiêm như hiện nay.

Bảo hiểm xây dựng/lắp đặt: Nên bắt buộc?

Cần buộc nhà thầu xây dựng hay chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cho công trình (trong đó có nhà) và mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ ba với những mức phù hợp thông lệ trong khu vực.

“Đã có những công trình tuy chỉ gây ảnh hưởng nhẹ đến công trình lân cận nhưng đã bị thanh tra xây dựng địa phương đình chỉ thi công. Nhiều trường hợp công trình bị đình chỉ trong thời gian dài làm bên gây thiệt hại trở thành bên bị thiệt hại và ngược lại”. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nêu ý kiến trong Hội thảo sự cố công trình do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 10-12.

Tòa lúng túng khi phân xử
Theo quy định hiện hành, các công trình có tác động đến chất lượng công trình lân cận, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư đều phải bị xử lý. Cụ thể, những công trình xây dựng gây hư hỏng công trình lân cận sẽ bị lập biên bản ngừng thi công và chỉ được thi công lại nếu đạt một trong các điều kiện: Hai bên tự thỏa thuận được việc bồi thường; bên bị thiệt hại vắng mặt không có lý do chính đáng, hoặc có quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án giải quyết tranh chấp giữa hai bên.
Qua sự cố thi công công trình Pacific gây lún sụt nhà kế cạnh, 
cả chủ đầu tư và các bên không mua bất kỳ loại bảo hiểm nào. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, quy định này không rõ ràng nên đã gây khó cho việc áp dụng trong thực tế, đặc biệt khi chủ đầu tư và hộ dân bị ảnh hưởng đã có mâu thuẫn từ trước. “Thực tế cho thấy nếu phải giải quyết thông qua tòa án thì thường thời gian thụ lý kéo dài, công trình bị ngừng thi công lâu, gây thiệt hại nặng cho chủ đầu tư. Trong nhiều trường hợp thiệt hại này còn lớn hơn nhiều lần bên bị ảnh hưởng. Mặt khác, tòa án địa phương hầu hết đều lúng túng khi thụ lý những vụ án có nội dung này” - ông Hiệp chỉ rõ.
Theo ông Hiệp, nhà ở là công trình xây dựng nhiều nhất ở các TP. Do đó, với các vi phạm như đã nêu, nếu không có những hướng dẫn chi tiết sẽ dẫn đến việc bên bị thiệt hại gây khó khăn hoặc khiếu kiện kéo dài.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị: “Những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng nhẹ đến công trình lân cận thì bị buộc đình chỉ thi công tối đa bảy ngày để chủ đầu tư khắc phục triệt để những hư hại. Sau thời hạn này, nếu kết quả kiểm tra cho thấy hư hỏng không đáng kể, phương án thi công sẽ không gây ảnh hưởng tiếp và chủ đầu tư đã khắc phục những hư hỏng thì công trình được tiếp tục thi công. Nếu sau đó công trình tiếp tục gây ảnh hưởng đến công trình lân cận thì sẽ bị buộc đình chỉ thi công một thời gian để có giải pháp khắc phục triệt để”.
Mua bảo hiểm là cần thiết
“Việc bồi thường thiệt hại ở TP.HCM còn xảy ra trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính giải quyết sự cố lớn, trong khi lại không tìm được nhà thầu vì công trình đã đưa vào sử dụng từ lâu. Ví dụ như vừa qua, nhà 124A đường số 11, phường 5, quận Gò Vấp sụp đổ, gây ảnh hưởng đến những nhà lân cận. Trong trường hợp này, trước mắt chính quyền quận Gò Vấp phải chịu tất cả chi phí để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực” - ông Hiệp nêu thực tế.
Hiện các đơn vị tư vấn cho những công trình xây riêng lẻ trong khu dân cư hầu như không mua bảo hiểm. Kết quả là khi xảy ra sự cố, đơn vị tư vấn không đủ khả năng tài chính để khắc phục. Mặt khác, các đơn vị thi công lại chưa bị bắt mua bảo hiểm nên thường không mua bảo hiểm công trình. “Sự cố công trình Pacific 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, cả chủ đầu tư lẫn các bên đều không mua bất kỳ loại bảo hiểm nào” - ông Hiệp chỉ rõ.
Mặt khác, các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ các công trình nhỏ, không quan tâm đến việc nhà thầu có mua bảo hiểm hay không và cũng chẳng bao giờ ép nhà thầu mua bảo hiểm. Như vậy rủi ro do sự cố càng cao. Để khắc phục, ông Hiệp kiến nghị cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, buộc nhà thầu xây dựng hay chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cho công trình (trong đó có nhà) và mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ ba với những mức phù hợp thông lệ trong khu vực. “Điều này sẽ làm tăng chi phí cho người dân khi xây dựng nhà ở của mình nhưng đây là chi phí cần thiết cho một xã hội tiến bộ” - ông Hiệp nói.

Nguồn: Hoàng Vân - Pháp Luật TP.HCM

Thị trường bảo hiểm: Ngoại lấn át nội

Thị trường bảo hiểm (BH) gồm nhân thọ và phi nhân thọ hiện nay đều đang bị các DN nước ngoài lấn lướt. Điều đáng nói là diễn biến này cũng chính là xu hướng của nhiều năm tới - đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh khá béo bở này tiếp tục bị DN nước ngoài chiếm lĩnh.


Thua trên sân nhà
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát BH (Bộ Tài chính) thì tính đến nay, tổng số DN BH trên thị trường VN là 53 DN, trong đó có 29 DN BH phi nhân thọ, 12 DN BH nhân thọ, 11 DN môi giới BH và 1 DN tái BH. Thế nhưng trong số này, số lượng DN nước ngoài lấn át cả về số lượng, quy mô và doanh thu tài chính. Điều đáng nói là trong số 12 DN BH nhân thọ chỉ có duy nhất Bảo Việt nhân thọ là của VN. Số lượng DN liên doanh chỉ duy nhất có Vietcombank - Cardif, còn lại là 10 DN nước ngoài. Đối với lĩnh vực BH phi nhân thọ, số DN nước ngoài cũng lên tới con số 10, nhưng đồng thời có tới 33 văn phòng đại diện của các DN BH nước ngoài đang hoạt động tại VN ráo riết chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường.
Với hợp đồng lớn, DN Việt Nam thường phải tái bảo hiểm ra nước ngoài. Ảnh: PV

Không chỉ áp đảo về số lượng DN, các DN BH nước ngoài cũng áp đảo về quy mô hoạt động và đặc biệt là doanh thu. Theo công bố của Bộ Tài chính thì tổng doanh thu phí BH ước cả năm 2010 đạt khoảng 30.690 tỉ đồng. Nếu tách số doanh thu phí BH nhân thọ của năm này là khoảng 13.690 tỉ đồng thì Bảo Việt chỉ chiếm được con số lẻ. Có nghĩa là toàn bộ doanh thu khoảng 10 nghìn tỉ đồng còn lại hoàn toàn thuộc về thị phần của các DN BH nước ngoài khoảng 70%.  Đối với BH phi nhân thọ, mặc dù DN trong nước đang chiếm thị phần lớn, thế nhưng các chuyên gia lại đã đưa ra cảnh báo là sự vươn lên mạnh mẽ từ các DN nước ngoài.
Cụ thể liên tiếp trong nhiều năm qua, top các DN có tốc độ tăng trưởng cao thuộc về các DN nước ngoài. Trong đó theo tổng kết 10 tháng năm 2010, DN BH MSIG tăng trưởng tới 297%, Groupama 205%, ACE 153%... Các chuyên gia tài chính cho rằng với tốc độ tăng trưởng này, các DN BH nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị phần BH mới và rất có thể sẽ còn giành lại ít nhiều “phần bánh” BH mà DN trong nước đang nắm giữ. Một lo ngại khác dù DN tái BH duy nhất là của VN, thế nhưng DN này lại nhỏ bé về quy mô nên trong 10 tháng đầu năm 2010, DN này tái BH trong nước 1.458 tỉ đồng, song phải thực hiện tái BH ra nước ngoài tới 2.947 tỉ đồng.


Lo ngại dài hạn
Theo tính toán của các chuyên gia, tiềm năng thị trường BH nhân thọ tại VN còn rất lớn. Hiện mới chỉ có khoảng 5% dân số VN tham gia BH. Với thống kê này cho thấy là riêng mảng BH nhân thọ, duy nhất Bảo Việt thì sẽ khó lòng cạnh tranh. Một trong những lo ngại của lĩnh vực BH này là các DN BH nước ngoài không chỉ có quy mô vốn lớn, kỹ năng quản trị tốt mà còn đặc biệt chú trọng vào chất lượng và sự phong phú của sản phẩm BH.  
Giải thích lý do vì sao đến bây giờ, VN mới chỉ có 1 DN 100% vốn trong nước hoạt động trong lĩnh vực BH nhân thọ, các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn - trong đó vốn tối thiểu lên tới 500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, số lượng hợp đồng lớn, rủi ro nhiều nên việc quản lý yêu cầu một nền tảng công nghệ tốt. Một nguyên nhân nữa là chi phí gia nhập thị trường đối với BHNT khá lớn, trong 4 - 5 năm đầu tiên nhiều khả năng không có lãi. Đây là những thách thức với không ít DN. Tương tự với tái BH, các chuyên gia nhận định DNVN không đủ vốn và năng lực tái BH những hợp đồng lớn. Chính vì thế mà trong dài hạn, lĩnh vực BH nhân thọ và tái BH sẽ vẫn do DN nước ngoài chiếm lĩnh.
Còn đối với BH phi nhân thọ, các chuyên gia cũng cảnh báo sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể trong suốt thời gian qua và hiện nay, các DN BH nước ngoài đã tạo áp lực lên các DN trong nước bằng cách hạ chi phí, tăng hoa hồng, thậm chí chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể năm 2008 có đến 16 DN thua lỗ hơn 160 tỉ đồng, năm 2009 các DN lỗ tới trên 200 tỉ đồng. Các chuyên gia cho rằng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực BH phi nhân thọ đã đến mức báo động. Đồng thời cũng cảnh báo các DN VN nếu không sớm đổi mới, tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro thì sẽ vấp phải những khó khăn lớn trong chiến lược kinh doanh lâu dài.

Năm 2010, tổng doanh thu phí BH ước đạt khoảng 30.690 tỉ đồng. Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 8.208 tỉ đồng. Ngành BH đầu tư trở lại khoảng 92.809 tỉ đồng, giải quyết bồi thường và trả tiền BH gần 12.033 tỉ đồng. Mục tiêu năm 2011, dự kiến tổng doanh thu đạt 35.290 tỉ đồng.
BTV. Văn Hùng