17/8/11

Hơn năm tháng chưa trả tiền bảo hiểm


Lý do đưa ra là đại lý đã không nộp phí bảo hiểm về công ty.Anh Nguyễn Thành Tuân (133 Trần Dư, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) phản ánh: Ngày 11-3, khi đang chạy xe máy mượn của người bạn, do thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ vào lúc trời chập choạng tối nên anh đã tông vào người đi xe đạp. Vụ va chạm khiến cả hai bị thương nặng phải đi cấp cứu.Sau khi ra viện, gia đình anh Tuân đã liên hệ với Chi nhánh Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam tại Quảng Nam (PVI Quảng Nam), nơi chủ xe mua bảo hiểm xe máy để làm thủ tục đề nghị chi trả tiền bảo hiểm. 
Chi nhánh PVI Quảng Nam đã nhận đầy đủ hồ sơ và chuyển cho PVI khu vực Đà Nẵng giải quyết. Thế nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm. Anh Tuân nói: “Nhân viên PVI Đà Nẵng cho rằng người bán bảo hiểm cho xe máy trên đã không nộp phí bảo hiểm về công ty. Do vậy, công ty chưa có cơ sở bồi thường cho khách hàng. Họ bảo chúng tôi phải chờ cho đến khi công ty tìm được người nợ phí đó. Việc nhân viên bán bảo hiểm có nộp phí về công ty hay không là chuyện nội bộ của PVI, sao công ty lại bắt khách hàng phải chịu thiệt?”. 
Theo Thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính (quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới), thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ. Vậy hồ sơ của phía anh Tuân đã hợp lệ chưa mà PVI khu vực Đà Nẵng lại kéo dài thời gian thanh toán? PV đã hai lần đến PVI khu vực Đà Nẵng để làm rõ vụ việc nhưng không thể gặp được người có trách nhiệm.

LÊ PHI
Pháp luật TPHCM Online. 

Bảo hiểm AAA: Cẩn trọng chống trục lợi bảo hiểm


Trước vấn nạn về trục lợi bảo hiểm đang ngày càng tinh vi và đa dạng, Công ty CP Bảo hiểm AAA đã thành lập một “Phòng điều tra” có chức năng điều tra khám phá các vụ trục lợi, tiêu phí bảo hiểm.Nhức nhối nạn trục lợi bảo hiểm.Hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên nguyên lý lấy nguồn đóng góp tài chính của số đông để trang trải cho số ít không may bị tai nạn rủi ro. Doanh nghiệp bảo hiểm như một người giữ quỹ cho các khách hàng tham gia bảo hiểm ở doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp nào để xảy ra trục lợi bảo hiểm, xem như doanh nghiệp đó không làm tròn bổn phận quản lý tiền phí đóng góp của các khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm nào càng để trục lợi bảo hiểm ở đơn vị mình tới mức trầm trọng sẽ có nguy cơ mất khả năng chi trả cho những trường hợp tai nạn rủi ro thực sự mà doanh nghiệp đó đã cam kết với các khách hàng chân chính khi họ tham gia bảo hiểm ở đơn vị mình. Cả ngành bảo hiểm mất khả năng chống đỡ với vấn nạn trục lợi bảo hiểm, ắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tài chính của quốc gia. Trục lợi bảo hiểm luôn là một thứ bệnh sinh ra cùng với sự ra đời và tồn tại của một doanh nghiệp bảo hiểm. Ở ngành bảo hiểm nhân thọ cũng như phi nhân thọ tại Việt Nam hay trên thế giới đều khó tránh khỏi hiện trạng ấy. Có điều, tùy theo trình độ kiểm soát của từng doanh nghiệp mà vấn nạn này được hạn chế đến mức nào, nhưng không bao giờ được ảo tưởng sẽ trị tận gốc được nó, ngoại trừ không còn ngành nghề bảo hiểm nữa.
Hiện nay, trục lợi bảo hiểm là vấn nạn của ngành bảo hiểm, chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào có cơ chế quản lý ưu việt để có thể khả dĩ kiểm soát triệt để được vấn đề này. Hàng năm, với lực lượng bán chuyên trách, Bảo hiểm AAA cũng đã điều tra, khám phá thành công hàng trăm vụ trục lợi bảo hiểm, tránh thất thoát tiền bồi thường hàng tỷ đồng.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh của công ty và quyền lợi các khách hàng, bên cạnh việc tăng cường khả năng phòng ngừa trục lợi bảo hiểm bằng cách áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào trong quản lý khai thác bảo hiểm vẫn cần một lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp đủ tâm và đủ tầm độc lập điều tra khám phá thành công mọi vụ trục lợi, tiêu phí bảo hiểm để đảm bảo sự công bằng, an tâm cho bảo viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chống trục lợi bảo hiểm, Bảo Hiểm AAA đã quyết định thành lập một lực lượng chuyên trách với đội ngũ là những người có chuyên môn về điều tra được đào tạo từ ngành công an. Thêm vào đó, Công ty còn cho đội ngũ này tham gia học nghiệp vụ luật sư để tăng cường kỹ năng tham gia tranh tụng trong các vụ việc trục lợi phức tạp bất đắc dĩ phải đưa nhau ra tòa.
“ISO” của ngành bảo hiểm
Phòng điều tra của Bảo hiểm AAA có chức năng tổ chức điều tra khám phá các vụ trục lợi, tiêu phí bảo hiểm. Việc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA cho ra đời một lực lượng chuyên trách điều tra là bước đi tiên phong trong công tác chống trục lợi bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Bước tiến tiếp theo, Phòng Điều tra sẽ thành công ty cung cấp cho thị trường 2 mảng dịch vụ chuyên sâu: dịch vụ điều tra chống trục lợi bảo hiểm và dịch vụ đòi quyền lợi bảo hiểm. Trong công tác giám định - bồi thường bảo hiểm luôn tồn tại 2 nhu cầu: nhu cầu chống trục lợi từ phía những doanh nghiệp bảo hiểm và nhu cầu đòi quyền lợi bảo hiểm chính đáng từ phía các bảo viên. Do đó, việc Công ty AAA cho ra đời phòng điều tra với 2 mảng dịch vụ này sẽ có “đất” làm ăn, bởi lẽ, “Chỉ khi nào thị trường bảo hiểm phát triển đạt đến độ bình đẳng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với mọi khách hàng của mình và sự tự giác tham gia bảo hiểm để chống đỡ rủi ro là một thói quen thường nhật ở mọi người dân Việt Nam thì mới không còn tiêu cực trong bảo hiểm” – đại diện Bảo hiểm AAA cho biết.
Hoạt động của loại dịch vụ này có thể hình dung đơn giản như sau. Một khách hàng Y tham gia bảo hiểm ở công ty bảo hiểm X không may bị rủi ro tai nạn. Quá trình giải quyết khiếu nại bồi thường, khách hàng Y bị công ty X bồi thường không đúng, đủ quyền lợi đáng ra họ được hưởng. Họ sẽ sử dụng dịch vụ đòi quyền lợi bảo hiểm. Dịch vụ này đòi được quyền lợi cho khách hàng Y một cách thỏa đáng. Ngược lại, một doanh nghiệp bảo hiểm gặp một vụ trục lợi bảo hiểm, họ sẽ tìm đến dịch vụ đòi quyền lợi bảo hiểm để giải quyết. “Việc Bảo hiểm AAA cho ra đời Phòng điều tra chống trục lợi bảo hiểm là một cam kết đảm bảo sự an tâm cho các khách hàng chân chính, cổ đông và nhân viên của mình. Sau đó, với dịch vụ đòi quyền lợi bảo hiểm mà Bảo hiểm AAA dự định cung cấp cho thị trường như một lời hứa son sắt rằng: Bảo hiểm AAA luôn luôn giải quyết “Nhanh, đúng, đủ” quyền lợi chính đáng của mọi khách hàng. Hay nói cách khác, Công ty chuyên cung cấp dịch vụ điều tra chống trục lợi bảo hiểm và đòi quyền lợi bảo hiểm là một chứng chỉ “ISO” trong khâu giải quyết bồi thường bảo hiểm của Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA”, ông Lê Hồng Hưng (ảnh) – Trưởng Phòng Điều tra của Bảo hiểm AAA khẳng định.

QUANG - ĐAN
Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG.

11/8/11

Khơi thông phân khúc bảo hiểm cháy nổ

(ĐTCK-online) Để tạo sân chơi lành mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác phát triển mạnh hơn nghiệp vụ bảo hiểm còn nhiều tiềm năng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 220/2010/TT-BTC thay thế Quyết định 28/2007/QĐ-BTC về hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Hiện nay, ý thức tự nguyện mua bảo hiểm cháy nổ của người dân và DN còn rất thấp

Số liệu thống kê năm 2010 của Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản đạt doanh thu 1.436 tỷ đồng, tăng trưởng 23%, trong đó bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 304 tỷ đồng, tăng 67,5%. Các doanh nghiệp bảo hiểm  có doanh thu cao là PVI (367 tỷ đồng), Bảo Minh (291 tỷ đồng), Bảo Việt (157 tỷ đồng), PJICO (97 tỷ đồng), BIC (78 tỷ đồng). Tổng số tiền bồi thường là 466 tỷ đồng, bằng 32,4% doanh thu. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao là ABIC (355,9%), BIC (119,2%), PJICO (74,6%), Bảo Long (55,3%), Groupama (53,1%), VASS (48,3%), Bảo Việt (47,6%).

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Hiệp hội, những rủi ro cao với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đi kèm với bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro đối với các khu nghỉ dưỡng (resort), nguy cơ cháy nổ cao với cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ, giầy da, may mặc cũng chưa được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chú ý, nên tình trạng cạnh tranh hạ phí, mở rộng điều kiện điều khoản không tương xứng với rủi ro bảo hiểm vẫn diễn ra gay gắt.

 Để tạo sân chơi lành mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác phát triển mạnh hơn nghiệp vụ bảo hiểm còn nhiều tiềm năng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 220/2010/TT-BTC (Thông tư 220) thay thế Quyết định 28/2007/QĐ-BTC (Quyết định 28) về hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Việc ban hành những quy định này được đánh giá là rất cần thiết để đảm bảo an toàn tài chính cho tất cả các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam trong các hiểm họa từ cháy nổ gây ra.

 Không chỉ quy định rất rõ về biểu phí bảo hiểm đối với những trường hợp tham gia bảo hiểm, Thông tư 220 còn có những thay đổi linh hoạt về mức phí…. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, Khoản 8 điều 12 quy định mức đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy hàng năm bằng 5% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã thu được tương ứng với mức trách nhiệm thực giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng thu cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, quy định căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thoả thuận điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm với biên độ là 25% tính trên mức phí quy định… cũng tạo chủ động cho doanh nghiệp  bảo hiểm không phải điều chỉnh nhiều lần so với quy định trước đó mà chỉ cần một lần đàm phán duy nhất với khách hàng.

 Vị đại diện trên nhìn nhận, tuy cũng có ý kiến không đồng tình ở một số mục giảm phí, ví dụ như ngành gỗ là ngành mà hiện các doanh nghiệp bảo hiểm không khuyến khích khai thác nhưng lại giảm phí khá nhiều. Nhưng nhìn chung, biểu phí đã giảm khá nhiều, trung bình khoảng 50%, như vậy cũng có tác động kích thích mua bảo hiểm. Xét về tổng thể, các thay đổi lớn nhất về biểu phí và lệ phí cũng phần nào kích thích khai thác sản phẩm này, tuy nhiên, điều mà hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm còn băn khoăn là Thông tư mới vẫn chưa mang tính thực tiễn và chưa giải quyết được các vấn đề tồn đọng của nghiệp vụ này, như chưa có chế tài xử phạt đối với tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật, phá rào của các doanh nghiệp bảo hiểm hay chưa có quy định rõ ràng cũng như chế tài để giải quyết căn bản vấn đề ý thức và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm… 

Theo giám đốc ban bảo hiểm tài sản kỹ thuật của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, do ý thức người mua bảo hiểm thấp nên nếu nhìn một cách tổng thể, những quy định mới này cũng không gây "biến động" nhiều đến tình hình khai thác nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ trên thị trường. Bởi vì, dù luật quy định là phải mua ở mức bắt buộc nhưng nếu quy định mà không có chế tài cụ thể về hình phạt, trong khi lực lượng quản lý chức năng lại không kiểm soát chặt chẽ thì vẫn rất khó để phát triển và khai thác nghiệp vụ này. 

Bảo hiểm phi nhân thọ nỗ lực giảm tỷ lệ bồi thường


(ĐTCK-online) Cùng với việc tiết giảm chi phí để đối phó với tình hình lạm phát cao, phấn đấu không lỗ về nghiệp vụ kinh doanh chính, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang tìm mọi cách để giảm tỷ lệ bồi thường. Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 3.246 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2010.Hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường là PVI với 28% và PTI với 48%, cũng nằm trong nhóm đơn vị có tỷ lệ bồi thường thấp nhất, với PVI là 16%, còn PTI chỉ ở mức 10%.

Các đơn vị như QBE có tỷ lệ bồi thường 10%, Groupama (11%), Cathay (0,8%) đều do mới đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 40% là ABIC (86%), Phú Hưng (70%), Liberty (56%), Bảo Long (55%), BIC (48%), UIC (46%).
Xét theo cơ cấu nghiệp vụ, nghiệp vụ bảo hiểm hàng không có tỷ lệ thực bồi thường gốc cao nhất (50%). Đứng thứ hai là nghiệp vụ sức khỏe và tai nạn con người có tỷ lệ thực bồi thường gốc 44%. Các doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người cao gồm: Fubon (187%), Cathay (97%), Bảo Long (70%), PJICO (58%), Bảo Việt (54%), AAA và VNI (51%), Bảo Minh (48%). Đứng thứ ba là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới với tỷ lệ thực bồi thường gốc 43%, chủ yếu là giải quyết bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe. Các đơn vị có tỷ lệ bồi thường cao ở nghiệp vụ này gồm: Phú Hưng (231%), ABIC (126%), Chartis (73%), Liberty (66%), Groupama (59%), Bảo Long và MIC (55%), Fubon (53%), Bảo Ngân (51%)
Những nghiệp vụ còn lại như: bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu có tỷ lệ thực bồi thường 37%; bảo hiểm cháy nổ có tỷ lệ bồi thường 29%. Các nghiệp vụ bảo hiểm khác có tỷ lệ thực bồi thường thấp là bảo hiểm thiệt hại kinh doanh (2%), bảo hiểm trách nhiệm chung (5%) và bảo hiểm nông nghiệp (10%).
Trong số những doanh nghiệp bảo hiểm tốp đầu, chỉ có Bảo Việt và PJICO có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc ở mức từ 40% trở lên, trong đó PJICO (40%) và Bảo Việt (46%) - cao nhất trong 5 công ty đứng đầu thị trường về doanh thu và cao hơn 19% so với cùng kỳ năm 2010. Bảo Việt cũng là doanh nghiệp có tỷ lệ thực bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm hàng không cao nhất (109%).
Đại diện Bảo Minh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty đã chi bồi thường 396 tỷ đồng, chiếm 31,6% doanh thu (tỷ lệ này của cùng kỳ năm trước là 35,3%). Có 53/60 đơn vị có tỷ lệ bồi thường dưới 50% doanh thu. Đây cũng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Bảo Minh trong quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Nằm trong khối doanh nghiệp nhóm dưới, dù tỷ lệ bồi thường của Liberty còn khá cao (56%), nhưng so với cùng kỳ năm trước ở mức 70,71% (do bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới cao, nghiệp vụ này chiếm tỷ trọng 70 - 75% tổng doanh thu bảo hiểm gốc) thì tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc của Liberty cũng đã giảm đáng kể. 
Áp lực cạnh tranh về phí bảo hiểm trong thời buổi giá cả phụ tùng và chi phí nhân công ngày càng tăng đang khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi cân đối giữa chi phí và chất lượng dịch vụ. Liberty sau một thời gian tung ra rất nhiều ưu đãi cho khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới, hiện cũng đang có chính sách khuyến khích khách hàng khi mua bảo hiểm ô tô Liberty AutoCare lựa chọn mức miễn thường. Nếu chọn mức miễn thường (mức miễn thường là khoản tiền mà khách hàng chia sẻ rủi ro với công ty bảo hiểm trong mỗi vụ tổn thất), khách hàng sẽ ngay lập tức được giảm từ trên 20% đến gần 50% phí bảo hiểm, tùy theo mức miễn thường là 1 triệu đồng, 2 triệu đồng hay 5 triệu đồng cho mỗi vụ tổn thất… Đại diện Liberty chia sẻ, trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, nếu khách hàng muốn được bảo hiểm tốt, dịch vụ bồi thường nhanh, nhưng phí bảo hiểm lại thấp, lựa chọn mức miễn thường là một hướng đi cần quan tâm. Đây cũng là phương án có lợi cả đôi đường, nếu khách hàng lựa chọn phương án này thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng giảm thiểu được chi phí đền bù tổn thất.
Trên thực tế, với tình hình khó khăn như hiện nay, ngoài việc cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp cũng phải tính đến những phương án quản lý chặt chẽ khâu bồi thường, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi bảo hiểm. Bởi chỉ cần giảm được 3 - 5% tỷ lệ bồi thường mỗi năm, phí bảo hiểm thu đúng, thu đủ, giảm được 30% trục lợi bảo hiểm thì các doanh nghiệp sẽ tiết giảm chi phí một cách đáng kể.

Ngọc Lan
Bản quyền thuộc Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

10/8/11

Đã đến lúc khách hàng tham gia bảo hiểm xe cơ giới cần được đối xử công bằng về phí bảo hiểm

Hiện nay trên thị trường bảo hiểm, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đưa ra mức phí áp dụng chung với mọi đối tượng khách hàng. Điều này chưa đảm bảo được tính công bằng. Nguyên tắc bảo hiểm là khách hàng có rủi ro cao phải đóng phí bảo hiểm cao và ngược lại, khách hàng có rủi ro thấp thì đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm thấp. Vì vậy, biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phải được phân ra chi tiết hơn, phù hợp với rủi ro của từng khách hàng, đảm bảo tính công bằng trong đối xử với khách hàng.

1.         Rủi ro sử dụng xe khác nhau, mức phí bảo hiểm khác nhau
            Có 3 đối tượng sở hữu khai thác sử dụng xe là xe cá nhân, xe công và xe kinh doanh vận tải.
Xe cá nhân được người chủ có ý thức chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tốt nhất. Họ thường là chủ xe kiêm lái xe nên nếu xảy ra tai nạn họ có thể bị thiệt hại cả về tính mạng, sức khoẻ và tài sản của chính họ nên ý thức đề phòng hạn chế tai nạn tốt nhất. Xe cá nhân có thời gian và phạm vi lưu thông trên đường ít hơn 2 đối tượng trên nên mức độ rủi ro sẽ thấp hơn.
Xe công cũng được quản lý tương đối chặt chẽ, không dễ gì được chi tiền từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, xe công có thời gian và phạm vi lưu thông trên đường ít hơn xe kinh doanh vận tải. Xe công thuộc đối tượng rủi ro trung bình.
Xe kinh doanh vận tải thường lái xe là người làm công ăn lương cho chủ xe, có phạm vi hoạt động và thời gian hoạt động nhiều nhất. Thậm chí xe đường dài hoặc taxi hoạt động suốt ngày đêm trên khắp mọi miền đất nước. Hiện nay chủ xe thường khoán cho lái xe giờ phải giao hàng, trả khách nên phải phóng nhanh vượt ẩu tạo nên mức độ rủi ro cao nhất.
2.         Loại xe khác nhau rủi ro khác nhau, phí bảo hiểm khác nhau
            Các hãng sản xuất xe (Honda, Toyota, Huyndai…) cung cấp sản phẩm có đặc tính, đặc trưng khác nhau (Toyota có Camry, Innova…) nên rủi ro khác nhau. Ngay 1 loại sản phẩm của hãng (nhãn hiệu xe) cũng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm (seri) khác nhau. Đi liền với dòng sản phẩm này là những đòi hỏi về máy móc, trang thiết bị nội thất, trang thiết bị đảm bảo an toàn, mức độ sẵn có của phụ tùng thay thế, yêu cầu kỹ thuật sửa chữa khi hư hỏng tai nạn để đảm bảo an toàn xe sau sửa chữa… Đó là những yếu tố làm tăng hay giảm rủi ro, từ đó sẽ làm tăng hay giảm phí bảo hiểm. Ví dụ loại xe từ khi khởi động đến khi đạt tốc độ trung bình quá nhanh tuy thuận tiện cho người lái xe nhưng lại là nguyên nhân rủi ro tai nạn lớn. Xe có lắp camera thuận lợi cho điều khiển xe, hệ thống định vị xe cảnh báo rủi ro sẽ làm cho rủi ro tai nạn giảm đương nhiên được hưởng phí bảo hiểm giảm.
3.         Ý thức quản lý rủi ro cao sẽ hưởng phí bảo hiểm thấp
            Việc đánh giá ý thức quản lý rủi ro bảo hiểm được định tính bằng số lần xảy ra rủi ro tai nạn đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường. Nếu lấy chuẩn xe mới mua bắt đầu tham gia bảo hiểm hưởng mức phí bảo hiểm theo hệ số 1 thì mỗi lần xe gây tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm cho năm mới thì phải tăng phí bảo hiểm theo một tỷ lệ tương ứng. Ngược lại, xe tham gia bảo hiểm có nhiều năm không xảy ra tổn thất sẽ được giảm phí bảo hiểm. Kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước Đông Nam Á chia ra 8 mức giảm phí bảo hiểm cho 14 năm hoạt động của xe (2 năm đầu mỗi năm 1 mức giảm, sau đó 2 năm 1 mức giảm). Năm đầu tiên tham gia bảo hiểm không có tổn thất được giảm 1 mức phí, 2 năm tham gia bảo hiểm không xảy ra tổn thất được giảm mức phí tiếp theo và sau đó cứ 2 năm tiếp theo không xảy ra tổn thất lại được giảm 1 mức phí.
            Hệ số phí bảo hiểm cho những năm liên tục không xảy ra tổn thất

Số năm bảo hiểm không có tổn thất
1
2
3-4
5-6
7-8
9-10
11-12
13-14
Hệ số phí bảo hiểm
100%
90%
80%
70%
60%
55%
50%
45%
Ngược lại, nếu xảy ra tổn thất lần thứ nhất tăng 10% mức phí hệ số 1, tổn thất lần thứ 2 tăng 20%, lần thứ 3 tăng 30%, lần thứ 4 tăng 40%, lần thứ 5 tăng 50%, lần thứ 6 tăng 60%, lần thứ 7 tăng 70%
            Hệ số phí bảo hiểm áp đặt cho trường hợp xảy ra tổn thất

Số lần tổn thất
1
2
3
4
5
6
7
Hệ số phí bảo hiểm
110%
120%
130%
140%
150%
160%
170%
            Như vậy sẽ có trường hợp xe 13 năm liên tục không xảy ra tổn thất, đang hưởng phí bảo hiểm 45% mức phí hệ số 1 nếu xảy ra tổn thất lần thứ nhất sẽ phải đóng phí mới 110% mức phí hệ số 1. Nếu tổn thất nhỏ hơn mức tăng phí, chủ xe có thể không yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
4.         Chủ xe tự gánh chịu rủi ro (một phần số tiền bồi thường) làm giảm rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được hưởng phí bảo hiểm thấp hơn
            Trong nghiệp vụ bảo hiểm được gọi là mức khấu trừ, thường là một số tiền nhất định cho một vụ tổn thất như 1 triệu đ, 2 triệu đ, 3 triệu đ, 4 triệu đ, 5 triệu đ. Thực chất chủ xe chấp nhận một phần thiệt hại tài chính của mình trong phạm vi khả năng tài chính của họ với các tổn thất xảy ra không đòi bảo hiểm bồi thường 100% thiệt hại. Việc làm này chủ xe tự khẳng định mình luôn đề phòng hạn chế tai nạn xảy ra và nhất là tránh những tai nạn xảy ra gây tổn thất nhỏ trong phạm vi mức khấu trừ không được giải quyết bồi thường. Đồng thời khi tổn thất nhỏ xảy ra, chủ xe tự gánh chịu không đòi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thì đương nhiên họ không bị tăng phí khi tái tục hợp đồng bảo hiểm mới. Chủ xe chấp nhận mức khấu trừ càng cao thì phí bảo hiểm càng giảm.
5.         Các giải pháp thực hiện
            Trước hết các doanh nghiệp bảo hiểm phải tính lại phí bảo hiểm theo các tiêu chí tăng giảm rủi ro đã nêu ở phần trên. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhiều năm hoạt động có số lượng xe và chủ xe tham gia bảo hiểm nhiều, giải quyết bồi thường nhiều, chiếm thị phần lớn đã có đủ số liệu thống kê tính phí bảo hiểm theo các tiêu chi trên.
            Thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước cần phải công nhận cách tính phí trên là có cơ sở khoa hoc, tăng giảm phí theo mức độ rủi ro, không phải là cạnh tranh không lành mạnh hoặc áp đặt tăng phí mà là cách đối xử công bằng với khách hàng: rủi ro cao phí bảo hiểm cao, rủi ro thấp phí bảo hiểm hạ.
            Thứ ba là trogn cách tuyên truyền của doanh nghiệp bảo hiểm, hạ phí cho người tham gia bảo hiểm nhiều năm liên tục không bị tổn thất được coi là thưởng cho khách hàng vì không có khiếu nại đòi bồi thường (no claim bonus). Đây là thông lệ của hoạt động kinh doanh bảo hiểm quốc tế. Vì vậy việc giảm phí (thưởng không phải bồi thường) được coi là một chi phí hợp lý hợp lệ không bị xuất toán. Thực tế các doanh nghiệp bảo hiểm ghi trên hoá đơn cho trường hợp giảm phí là:
            Số phí bảo hiểm phải đóng: X đ
            Số phí bảo hiểm được giảm vì không có tổn thất:  Y đ
            Số phí bảo hiểm còn phải đóng:       Z đ
Mục đích ghi trên hoá đơn như vậy để luôn nhắc nhở khách hàng không nên để xảy ra tai nạn giao thông để được giảm phí bảo hiểm.

          Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Bảo hiểm xe cơ giới hay bảo hiểm xe ôtô


Trong 5 năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 33,2%, bảo hiểm xe cơ giới luôn là nghiệp vụ dẫn đầu về doanh thu trong các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT).Tính tới hết quý II/2011, doanh thu phí bảo hiểm gốc của nghiệp vụ này đạt 3.101 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 31% trong cơ cấu nghiệp vụ BHPNT. Tuy nhiên, tỉ lệ bồi thường (TLBT) nghiệp vụ này cũng thuộc vào dạng “topten” của thị trường. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2011 là 43%, chỉ xếp sau 2 nghiệp vụ bảo hiểm hàng không (50%) và bảo hiểm con người (44%)…
Nghịch lý thiếu – thừa
Tổng số phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành cả nước hiện nay là 34.422.042 chiếc. Trong đó, ôtô là 1.796.474 chiếc và xe máy là 32.625.568 chiếc. Số lượng xe máy lưu hành gấp 18 lần số lượng xe ôtô. Nhưng trong cơ cấu nghiệp vụ xe cơ giới thì doanh thu bảo hiểm xe máy chỉ bằng  khoảng 1/6 so với bảo hiểm ôtô (15/85%). Thêm vào đó, có tới 65% số lượng xe máy lưu hành hiện nay không tham gia bảo hiểm, trong khi con số này chỉ là 10% đối với ôtô.Mặt khác, phí bồi thường phải trả hầu hết là từ bảo hiểm vật chất ôtô còn TLBT bảo hiểm xe máy lại ở mức rất thấp, quanh mức 10% (2 quý đầu năm 2011 là 12,7%). Những con số liệt kê trên đây phần nào cho thấy được tiềm năng to lớn của thị trường bảo hiểm xe máy Việt Nam.


Dẫu thể hiện rõ là mảnh đất màu mỡ và có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng bảo hiểm xe máy lại không được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ thực sự quan tâm. Sự chú ý dành hầu hết cho bảo hiểm ôtô với sự tham gia của nhiều DNBH lớn nhỏ cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những “ông lớn” quen thuộc như: PJICO, PVI, Bảo Việt, Bảo Minh… gần đây đã xuất hiện thêm hơn 20 hãng cùng hàng chục văn phòng đại diện của các hãng bảo hiểm liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.


Dĩ nhiên, càng nhiều đối thủ thì sự cạnh tranh càng quyết liệt hơn để giành giật khách hàng. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp đều tập trung vào một mục tiêu là bảo hiểm ôtô. Có thể nói, tình trạng của bảo hiểm xe cơ giới hiện nay là “ Ít ôtô nhưng nhiều DNBH cạnh tranh, nhiều xe máy nhưng ít DNBH quan tâm”. Hay nói một cách khác, bảo hiểm xe ôtô là “người chơi chính” trong sân chơi bảo hiểm xe cơ giới.


100 lớn hơn 1?
Thực tế các DNBH đều biết thị trường bảo hiểm xe máy ở Việt Nam là lớn nhưng có 3 điều khiến họ không mấy mặn mà với việc mở rộng phát triển ở thị trường này:
Đầu tiên là hệ thống giao thông của Việt Nam rất kém. Mới đây, đồ án quy hoạch phát triển thủ đô đã được công bố nhưng đó mới chỉ là ở Hà Nội và là kế hoạch trong tương lai xa.
Tiếp đến là ý thức người dân chưa tốt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về số người chết vì tai nạn giao thông. Trung bình cứ 100.000 người có 13 người chết vì tai nạn giao thông và đa phần các vụ tai nạn xuất phát từ ý thức kém của người dân khi tham gia giao thông.
Thứ ba là phí bảo hiểm ôtô cao, việc định giá bồi thường cũng đơn giản hơn xe máy. Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam chia sẻ: “Tôi thích bán bảo hiểm cho ôtô bởi sự thực là anh bán bảo hiểm cho 100 chiếc xe máy cũng không bằng anh bán cho 1 chiếc ôtô”. Xét một cách khách quan, với giá trị hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ đồng/xe ô tô thì nhận định 100 không bằng 1 trên là câu trả lời cho lý do mà DNBH ôtô luôn chiếm tỉ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.
Ngoài ra, với tình trạng phụ tùng xe máy được bán tràn lan với nhiều “kiểu giá” khác nhau thì việc định giá phí bồi thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là nếu như gặp phải khách hàng xấu có ý định trục lợi thì rủi ro đối với DNBH là rất lớn.



Tóm lại, rất khó để “trách” các DNBH khi dành phần ưu ái nhiều hơn cho bảo hiểm ôtô bởi việc gỡ những nút thắt phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan hơn là bản thân họ. “Tăng trưởng bảo hiểm xe máy, khi nào mới theo kịp sự phát triển của thị trường?”, có lẽ đây là một câu hỏi mà rất lâu nữa mới tìm được đáp án…\

Anh Phạm
www.petrotimes.vn

4/8/11

CHƯƠNG TRÌNH BẢO HIỂM SỨC KHỎE ĐƯỢC HABUBANK CHÍNH THỨC CUNG CẤP

Ngày 29/07/2011 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Ngân hàng Habubank, hai bên đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận chính thức triển khai Chương trình HabubankCare – Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ qua hệ thống giao dịch của Habubank tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh kể từ ngày 15/08/2011.

            Tham dự Lễ ký kết có đại diện Ban Lãnh đạo cấp cao, Lãnh đạo cấp phòng và cán bộ nghiệp vụ của hai đơn vị.
            Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Tuấn Minh – Uỷ Viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Habubank ghi nhận những nỗ lực, hợp tác tích cực của nhóm nghiệp vụ 2 đơn vị trong việc xây dựng sản phẩm để có buổi ra mắt hôm nay. Ông cũng hy vọng hợp tác của hai đơn vị sẽ được mở rộng  hơn, sản phẩm hợp tác của hai bên được khách hàng đón nhận với sự hài lòng cao.
            Chia sẻ thêm với ý kiến của ông Minh, Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt đã gửi lời cảm ơn tới các bộ phận, cán bộ hai đơn vị về tinh thần hợp tác khẩn trương, chuyên nghiệp trong thời gian qua. Ông cũng bày tỏ, việc hợp tác hơn một năm qua giữa hai đơn vị đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo bước khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác cùng phát triển của hai đơn vị trong thời gian tới. Với Chương trình bảo hiểm được thiết kế riêng cho khách hàng cá nhân của Habubank lần này, Bảo hiểm Bảo Việt hy vọng đem tới cho khách hàng của hai bên sản phẩm tốt nhất cùng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
            Chương trình HabubankCare được xây dựng với các quyền lợi chính gồm: Điều trị nội trú do ốm đau, bệnh tật, thai sản và 5 quyền lợi bổ sung để khách hàng lựa chọn như: Điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật; Chi phí y tế do tai nạn; Tử vong/thương tật vĩnh viễn do tai nạn; Trợ cấp mất giảm thu nhập; Vận chuyển y tế cấp cứu.
            Tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính, khách hàng có thể lựa chọn một trong ba gói sản phẩm: Cơ bản (Basic), Mở rộng (Plus) hoặc Nâng cao (Prime) tương ứng với các mức quyền lợi khác nhau.
            Đặc biệt, khách hàng tham gia chương trình bảo hiệm tại Habubank sẽ ngay lập tức được hưởng một số tiện ích và ưu đãi đặc biệt, bao gồm:
·         Chương trình bảo hiểm linh hoạt và tiện lợi: Được tùy chọn cơ sở khám chữa bệnh; dịch vụ tư vấn miễn phí 24h/7 ngày; hợp đồng bảo hiểm tự động tái tục hàng năm; không yêu cầu kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia; áp dụng chung 1 đơn bảo hiểm cho cả gia đình;
·         Dịch vụ bảo lãnh viện phí tại các cơ sở khám chữa bệnh tiên tiến và hiện đại hàng đầu tại các tỉnh/thành phố lớn có liên kết với Bảo hiểm Bảo Việt.
·         Chính sách ưu đãi phí: Tham gia bảo hiểm theo nhóm, khách hàng sẽ được hưởng mức ưu đãi giảm phí từ 5% tới 25% tùy theo số lượng thành viên trong nhóm. Đặc biệt, với khách hàng hộ gia đình, khi bố, mẹ và các con cùng tham gia bảo hiếm sẽ được giảm phí mức 5% đối với con đầu tiên và 10% từ con thứ hai trở đi.
            Bằng việc triển khai sản phẩm này, Habubank và Bảo Việt mong muốn được cùng khách hàng chia sẻ gánh nặng tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bất ngờ với bảo hiểm nhân thọ: Tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp tục

6 tháng đầu năm 2011, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường đạt 15,93%, tăng so với mức 14,39% cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng về doanh thu phí của toàn thị trường và bảo hiểm phi nhân thọ có phần chững lại. Sự tăng trưởng vượt trội này có thực sự là một bất ngờ?

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 7.239 tỷ đồng, tăng 15,93% so với cùng kỳ năm 2010. Trong bối cảnh tình hình lạm phát vẫn tiếp tục, tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2010 chứng tỏ bảo hiểm nhân thọ dường như không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

 Tình hình khai thác mới trong 6 tháng không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Số lượng hợp đồng chính thức trong 6 tháng ước đạt 368.919 hợp đồng, tăng 4,29%, tổng doanh thu khai thác mới (gồm cả hợp đồng chính và hợp đồng bổ trợ) ước đạt 1.961 tỉ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2010. Phí bảo hiểm bình quân đạt 4,9 triệu đồng/hợp đồng chính, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2010. Prudential và Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về doanh thu và thị phần doanh thu khai thác mới, trong đó Prudential chiếm thị phần 28,3% với 37,6% tổng doanh thu phí toàn thị trường, Bảo Việt Nhân thọ với  24,5% thị phần và 29,7% doanh thu phí toàn thị trường. Về khai thác mới, Manulife, ACE, Dai-ichi, AIA có thị phần từ 7,9% đến 12,6%. Prevoir và các doanh nghiệp mới thành lập chiếm thị phần không đáng kể. 

Riêng về cơ cấu sản phẩm bảo hiểm, 6 tháng đầu năm 2011, sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư (trong đó chủ yếu là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung) vẫn tiếp tục dẫn đầu trong tỷ trọng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm, chiếm 30,1% số lượng hợp đồng khai thác mới, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới ước đạt 738 tỷ đồng, tăng 33,17% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư ước đạt 1.653 tỷ đồng, chiếm 23,68% tổng doanh thu toàn thị trường. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng giữ “lửa” cho bảo hiểm nhân thọ trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Bên cạnh sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm còn tập trung vào khai thác sản phẩm tử kỳ với 108.194 hợp đồng khai thác mới, chiếm 29% số lượng hợp đồng khai thác mới. 

Tuy nhiên, các sản phẩm liên kết chung với lợi thế là đóng phí linh hoạt sẽ bị ảnh hưởng của lạm phát cao, từ đó phí đóng sẽ bị giảm đi kha khá. Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy, phí đóng không những giảm mà còn tăng lên nhiều như vậy. Một hợp đồng bảo hiểm liên kết chung với giả sử tổng phí trong 3 năm là 50 triệu đồng, khách hàng được chọn đóng, miễn là hơn mức tối thiểu để duy trì hợp đồng, ví dụ là 5 triệu đồng/năm. Để tránh lạm phát cao, thì họ sẽ chọn vào thời điểm cuối cùng để đóng số tiền phí nhiều nhất, vì vậy, càng lạm phát, phí đóng vào bảo hiểm liên kết chung càng phải giảm xuống, chứ khó có thể tăng lên được, trừ phi tính đến việc gia tăng tuyển dụng có gắn với gia tăng về số lượng hợp đồng.  

6 tháng đầu năm nay, tổng mức lạm phát từ đầu năm đến nay lên 13,29%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2010. Nếu so bình quân cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2010, chỉ số này đã tăng đến 16,03%. Về lý thuyết, lạm phát cao sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu về bảo hiểm của người dân cũng như khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, lạm phát không phải là nguyên nhân chính khiến khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, vì thực tế, với mỗi hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có thể rút bất cứ khi nào, nhưng khách hàng sẽ phải chịu thiệt hơn khi hợp đồng chưa đáo hạn. 

Giải thích về điều này, lãnh đạo của các công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết: lạm phát tuy ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế, nhưng đó là yếu tố ngắn hạn, còn bảo hiểm nhân thọ là dài hạn. Các công ty luôn có những giải pháp linh hoạt hỗ trợ khách hàng khi gặp khó khăn về tài chính như: cho vay để tiếp tục đóng phí bảo hiểm nhằm bảo đảm tính hiệu lực của hợp đồng, cung cấp các sản phẩm bổ sung "quyền lợi hỗ trợ trượt giá”, góp phần giải tỏa những lo lắng của khách hàng trước những biến động về lạm phát. Lãnh đạo Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng: trong những thời điểm khó khăn khi nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, lạm phát cao, cũng là lúc khách hàng cần đến dịch vụ bảo hiểm nói chung và của AIA nói riêng nhiều nhất, vì các sản phẩm bảo hiểm có khả năng mang lại sự bảo vệ an toàn cho họ. "Phí bảo hiểm nhân thọ yêu cầu khách hàng đóng theo từng kỳ, đóng từ từ, cho nên qua một thời gian dài nó sẽ trung bình lại và không ảnh hưởng nhiều do tình hình lạm phát. Năm 2009, khi mà tình hình kinh tế khó khăn nhất, doanh nghiệp chúng tôi lại có kết quả tăng trưởng cao, do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng", lãnh đạo AIA chia sẻ.

 Lan Hương – Thời báo Kinh tế Việt Nam