25/10/11

Cởi bỏ chiếc áo chật


Vừa qua, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Vạn Thuận - Tổng giám đốc PVI Holdings về quá trình tái cấu trúc của PVI Holdings. Xin gửi tới Quý khách hàng, đối tác, cổ đông và toàn thể CBNV của PVI Holdings toàn văn bài phỏng vấn trên  Thời báo Kinh tế Sài Gòn với tiêu đề “Cởi bỏ chiếc áo chật”.
Với sự chuẩn bị chắc chắn về vốn, nhân lực, đối tác nước ngoài, từ tháng 8-2011, Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings) đã tái cấu trúc thành công theo hướng trở thành định chế tài chính bảo hiểm với mô hình công ty mẹ - con để nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng bước vào cuộc chơi toàn cầu của thị trường bảo hiểm. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings về quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp và chiến lược phát triển trong thời gian tới của PVI Holdings.
TBKTSG: Thưa ông, tại sao PVI quyết định tái cấu trúc vào thời điểm thị trường tài chính trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bảo hiểm cũng bị tác động mạnh?
- Ông Bùi Vạn Thuận: PVI  ban đầu là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ; sau đó chúng tôi phát triển thêm hoạt động tái bảo hiểm và hoạt động đầu tư tài chính. Nhưng hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm và hoạt động đầu tư của một doanh nghiệp bảo hiểm bị ràng buộc bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật.
Khi PVI đã phát triển lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 37%/năm, chúng tôi thấy hoạt động của doanh nghiệp như chiếc áo đã quá chật nên phải tái cấu trúc, thay bằng chiếc áo phù hợp hơn. Chẳng hạn, phải có Tổng công ty Bảo hiểm PVI chuyên về hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ, Công ty Tái bảo hiểm PVI chuyên về các hoạt động tái bảo hiểm. Tiếp đó trong lộ trình phát triển chúng tôi sẽ thành lập công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ, công ty quản lý quỹ vì nếu chỉ đầu tư ngắn hạn hoặc giới hạn trong một lĩnh vực, hiệu quả kinh doanh sẽ không cao.
TBKTSG: Dư luận vẫn thắc mắc về thời điểm tái cấu trúc của PVI?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Khi cơ hội dành cho doanh nghiệp chín muồi thì chúng tôi “lột xác”. PVI tái cấu trúc vì nhu cầu của PVI, vì đến thời điểm này cần thiết phải làm việc đó.
Một doanh nghiệp đủ năng lực tái cấu trúc trong giai đoạn thị trường khó khăn là doanh nghiệp phát triển tốt. Chúng tôi tin với sự thành công của tái cấu trúc, PVI sẽ có những bước phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
TBKTSG: Có ý kiến cho rằng thành công của PVI nhiều năm qua một phần là do sự độc quyền bảo hiểm trong lĩnh vực dầu khí nhờ lợi thế sẵn có của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời gian tới PVI sẽ làm gì để chứng minh sự thành công của mình không chỉ nhờ những lợi thế này?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Lợi thế đó chỉ là lợi thế ban đầu. Nay PVI đã chứng tỏ được năng lực của mình, được các nhà thầu dầu khí tin tưởng. Trước đây, việc thu xếp các chương trình bảo hiểm với thị trường quốc tế do các nhà môi giới nước ngoài đảm nhiệm. Hiện tại PVI không còn cần môi giới mà trực tiếp đứng ra thu xếp các chương trình bảo hiểm an toàn cho thị trường năng lượng.
Có thể nói đến ngày hôm nay PVI vẫn có lợi thế là thành viên của tập đoàn  Dầu khí Việt Nam, nhưng bên cạnh đó cúng tôi đã phát triển các chương trình bảo hiểm sang các lĩnh vực trọng yếu khác của nền kinh tế như: điện, hàng không, hàng hải… Và chúng tôi còn có thế mạnh là đội ngũ nhân lực mạnh và năng lực tốt. Chúng tôi không còn là một công ty trong ngành bảo hiểm mà đã và đang trở thành một định chế tài chính bảo hiểm ở Việt Nam.
TBKTSG: Từ trước đến nay, thị phần trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm luôn thuộc về các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Quyết định đẩy mạnh kinh doanh tái bảo hiểm sẽ được PVI thực hiện ra sao?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm, quan trọng nhất là kỹ thuật và nhân sự. Đây là thị trường đòi hỏi sự sàng lọc rất cao. Chúng tôi thành lập Công ty Tái bảo hiểm PVI từ một ban phụ trách mảng tái bảo hiểm có nhiều kinh nghiệm, cộng với sự hỗ trợ của Hannover Re Group, một thương hiệu tái bảo hiểm lớn của đối tác Talanx. Thị trường tái bảo hiểm Việt Nam hiện chỉ có Công ty Tái bảo hiểm quốc gia, nay có thêm PVI nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài và thu xếp tái bảo hiểm cho các công ty trong nước. Hoạt động này được dự báo sẽ đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho định chế tài chính bảo hiểm PVI. Nhưng quan trọng hơn là các công ty b ảo hiểm trong nước có thêm hàng hóa, tăng thị phần bảo hiểm trong nước, tăng động lực cạnh tranh và tăng tính chuyên nghiệp.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

PVI kí hợp đồng bảo hiểm xây dựng lắp đặt Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2


Chiều 21/10/2011, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (trực thuộc PVI Holdings) đã kí kết hợp đồng bảo hiểm xây dựng lắp đặt Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tham dự Lễ ký kết có ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch PVI Holdings, ông Trương Quốc Lâm – Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, ông Vũ Hồng Chương – Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; cùng các đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đại diện của Tổng thầu EPC thuộc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam…
Theo hợp đồng kí kết giữa hai bên, Bảo hiểm PVI sẽ xây dựng các chương trình bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt bao gồm cả trách nhiệm bên thứ 3 cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Các chương trình bảo hiểm này sẽ đảm bảo tính an toàn, cạnh tranh, và duy trì lợi ích tối đa cho nhà máy.
Phát biểu tại Lễ kí, Chủ tịch PVI Holdings Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có thể yên tâm về sự hợp tác này bởi Bảo hiểm PVI đã có kinh nghiệm với 4 nhà máy điện khí (Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2) và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Vũ Hồng Chương cho biết: PVI đã có bề dày thành tích trong bảo hiểm năng lượng. Trong quá trình thi công, xây lắp, tổng thầu và thầu phụ sẽ nỗ lực để nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ, tránh rủi ro đáng tiếc.
anh 1.bmp
Lãnh đạo 2 đơn vị tại Lễ kí kết
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm ở xã Mỹ Lộc, cách thành phố Thái Bình khoảng 20km về phía Đông, là dự án quan trọng nằm trong chiến lược phát triển nguồn điện đến năm 2015 của Chính phủ. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gồm 2 tổ máy, mỗi tổ 600 MW, là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện VI đã được Chính phủ phê duyệt.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư 1,6 tỉ USD. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi phun than, bảo đảm các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế hiện hành. Nhà máy khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp hàng năm cho lưới điện quốc gia hơn 6,7 tỷ kWh điện góp phần thực hiện mục tiêu tổng công suất nguồn đạt 9.200 MW (chiếm 22% công suất các nhà máy điện cả nước) và sản lượng điện 40 tỉ kWh/năm vào năm 2015 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Hợp đồng bảo hiểm nói trên là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa Tổng Công ty Bảo hiểm PVI và Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trọng điểm quốc gia do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư cũng như khẳng định uy tín, tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh vượt trội của Tổng Công ty bảo hiểm PVI.
Theo Petrotimes

16/10/11

Bancassurance ở Việt Nam vẫn sơ khai


Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) được đánh giá là rất tiềm năng tại Việt Nam. Nhiều công ty bảo hiểm tuyên bố sẽ đầu tư mạnh cho kênh bán hàng này, trong đó, một số đã chính thức triển khai.
Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới gia nhập thị trường Việt Nam như Cathay và Fubon cũng đang tận dụng kênh bán hàng này (nhờ lợi thế có các ngân hàng là công ty thành viên của Tập đoàn) để mở rộng thị phần… Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty bảo hiểm BIDV (BIC), Bancassurance cho dù đã là khái niệm tương đối phổ biến trên thị trường tài chính nhưng để phát triển được kênh phân phối này, cần nhiều thời gian và công sức.

Thực tế, dù đã được coi là một điển hình thành công trong phát triển Bancassurance, BIC cũng vẫn mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ của "miếng bánh" này. Trong hệ thống BIDV, BIC cũng mới chỉ tiếp cận được một số lượng nhỏ khách hàng cá nhân. Kênh Bancassurance cũng chỉ mang lại khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC.

Dù đã có sẵn hệ thống của BIDV, BIC vẫn chưa thể đẩy nhanh tốc độ phát triển kênh Bancassurance vì hình thức phân phối sản phẩm bảo hiểm này không chỉ mới với các doanh nghiệp bảo hiểm mà còn mới với cả các nhà quản lý và người tiêu dùng. Các khách hàng tiềm năng của Bancassurance chưa có nhận thức hoặc nếu đã biết, vẫn chưa có thói quen mua bảo hiểm qua kênh này. Về khía cạnh pháp lý, cũng chưa có hành lang cho Bancassurance.

Lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài thừa nhận, hiện nay, hầu hết các ngân hàng vẫn chưa thực sự quan tâm đến nghiệp vụ này, đặc biệt là các ngân hàng trong nước. Do đó, các cán bộ tín dụng mới chỉ giới thiệu khách hàng cho các nhân viên bảo hiểm mà họ quen biết theo một cách manh mún, phi chính thức. Ngoài ra, cho dù ngân hàng có ký hợp đồng hợp tác với công ty bảo hiểm thì tình trạng "trên bảo, dưới không nghe" vẫn còn khá phổ biến.

"Ở những quốc gia phát triển, như Nhật Bản là một ví dụ, doanh thu chính của ngân hàng đến từ những dịch vụ phi truyền thống như bán bảo hiểm chứ không phải là dịch vụ tín dụng. Do đó, có thể nói, Bancassurance ở Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phát triển rất sơ khai" vị này chia sẻ.

Theo một thống kê sơ bộ, doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng của toàn khối bảo hiểm phi nhân thọ chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu. Thực tế, khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ tại các ngân hàng ở Việt Nam bởi sản phẩm đó nằm trong gói dịch vụ tài chính mà ngân hàng cung cấp và phần lớn các trường hợp mua bảo hiểm là điều kiện để giải ngân các khoản vay tại ngân hàng.

Kết quả cuộc khảo sát 20 giám đốc cao cấp của các công ty bảo hiểm ở Việt Nam vừa được Công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm nhân thọ Milliman công bố cuối tuần qua cho thấy, có 3 trở ngại chính khiến Bancassurrance ở Việt Nam chưa khởi sắc. Đó là, thiếu sự nhận thức về tầm quan trọng của việc thu phí bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng; các vấn đề về kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất cao đã tạo giới hạn về vốn vay và việc phát triển và giữ nhân tài trong ngân hàng có chuyên môn về bảo hiểm còn chưa được chú trọng.

Một quan chức của Manulife nói tại buổi công bố kết quả khảo sát rằng, khi đưa ra một dự án hợp tác thì vấn đề đầu tiên mà các ngân hàng ở Việt Nam quan tâm là được lợi gì trước mắt từ việc hợp tác này chứ chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển mối quan hệ này để có những lợi ích lâu dài. Đa số CEO trong cuộc khảo sát trên cũng nghĩ như vậy. Họ nói rằng, 2 yếu tố để ngân hàng chọn bảo hiểm làm đối tác là sự gặp nhau về lợi ích giữa hai bên và mức triết khấu dành cho ngân hàng.

Vị đại diện Manulife cũng cho biết, các ngân hàng ở Việt Nam chưa thực sự chú tâm đầu tư nguồn lực để khai thác dịch vụ từ bảo hiểm. Vì vậy, phát triển Bancassurance ở Việt Nam chưa đi đúng hướng như kỳ vọng của các công ty bảo hiểm. "Để phát triển Bancassurance, phải có sự khác biệt của sản phẩm, điều mà hiện nay, sản phẩm của các công ty bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng hầu như không có", vị này nói.

Trả lời câu hỏi "cần bao nhiêu thời gian thì Bancassurance mới chiếm 25% doanh thu phí trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam?", trên 85% số đối tượng được khảo sát cho rằng, phải mất 6 - 8 năm nữa. Kết quả cuộc khảo sát này cũng cho thấy, chỉ khi các quy định về thuế và luật liên quan đến Bancassurrance thay đổi, tư duy người tiêu dùng và ảnh hưởng vĩ mô có tín hiệu tích cực hơn, thì Bancassurance mới có thể phát triển được.

Bancassurance - “Bảo hiểm kép” với VIB

Bancassurance là sản phẩm hợp tác ngân hàng - bảo hiểm được bán qua hệ thống ngân hàng. 

Bancassurance ra đời và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, tiếp theo là các nước, vùng lãnh thổ châu Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông,… Theo số liệu thống kê, phí bảo hiểm kinh doanh qua kênh phân phối tại các ngân hàng ở Pháp là 70%, Hồng Kông là 40% trong khi Việt Nam là 1,5%. 

Qua đó có thể thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng do nhu cầu chưa được khai thác hiệu quả, tiền nhàn rỗi trong dân cư còn rất lớn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí cùng với mức thu nhập của người dân ngày càng cải thiện nên ý thức bảo vệ bản thân cũng được nâng lên, đây chính là cơ hội để phát triển việc kinh doanh bảo hiểm.

Hiện tại, một số ngân hàng trong nước đã có sự đột phá về lĩnh vực này, trong đó có HSBC. Trong thời gian tới, nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh với mạng lưới chi nhánh bao phủ sẽ bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này.

Ngay từ năm 2006, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đã nghiên cứu và cho ra đời dòng sản phẩm bancassurance nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi tham gia bảo hiểm, khách hàng sẽ được hưởng những lợi ích chung như: mua nhiều sản phẩm tại cùng một nơi, sử dụng sản phẩm bảo hiểm kết hợp với dịch vụ ngân hàng, và đặc biệt khách hàng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi mua sản phẩm bảo hiểm đã được ngân hàng lựa chọn để phân phối, đồng nghĩa với việc khách hàng được “bảo hiểm hai lần”.

Cụ thể hơn, khi sử dụng mỗi loại sản phẩm ngân hàng kết hợp với bảo hiểm, khách hàng sẽ được hưởng nhiều lợi ích.

Một là, với sản phẩm bảo hiểm kết hợp với sản phẩm tín dụng, bản thân khách hàng hoặc tài sản bảo đảm sẽ được tham gia bảo hiểm để bảo vệ rủi ro cho khoản vay. Nếu không may xảy ra rủi ro, công ty bảo hiểm sẽ chia sẻ bớt phần gánh nặng trả nợ ngân hàng thay cho khách hàng và gia đình.

Hai là, đối với sản phẩm bảo hiểm kết hợp với sản phẩm tiết kiệm, khách hàng gửi tiết kiệm tham gia bảo hiểm nhân thọ, nếu có rủi ro xảy ra thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả bồi thường, khách hàng vẫn đảm bảo số tiền dự định tiết kiệm được trong tương lai.

Ba là, sản phẩm bảo hiểm kết hợp với sản phẩm thẻ cũng là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuần túy, giúp khách hàng giảm bớt các rủi ro xảy ra.

Như vậy, có thể thấy giá trị bền vững của ngân hàng chính là việc bảo đảm các rủi ro cho khách hàng của ngân hàng, tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa ngân hàng với khách hàng, xây dựng lòng trung thành với khách hàng.

Hiện nay, VIB đang có quan hệ hợp tác với một số công ty bảo hiểm với mục tiêu kinh doanh hướng đến những đối tượng khách hàng là trụ cột trong gia đình, khách hàng vay mua tài sản có giá trị lớn như nhà đất, xe hơi, khách hàng gửi tiết kiệm có dự định cho con cái trong tương lai…

Đại diện VIB cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác theo chiều rộng là phát triển thêm các sản phẩm ngân hàng kết hợp bảo hiểm và chiều sâu là nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh các sản phẩm.

Nguồn: VnEconomy

15/10/11

Các sản phẩm bảo hiểm được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam


Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 11/1/2007, các quy định về mở cửa thị truờng bảo hiểm quy định tại Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã được thực hiện gần như toàn diện, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam đã được xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hiệu quả trong những năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay bên cạnh Luật Kinh doanh Bảo hiểm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì tồn tại hàng loạt các quy định pháp luật khác cũng tham gia vào việc điều chính trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam, trước hết phải kể đến các quy định pháp luật về bảo hiểm xây dựng, đấu thầu bảo hiểm; bảo hiểm cho công ty chứng khoán, luật sư, kiểm toán, thẩm định giá…đã làm cho doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm lúng túng trong việc lựa chọn các quy định pháp luật để áp dụng, thực hiện, hơn nữa chính vì những quy định này, nhiều doanh nghiệp đã bỏ quên trách nhiệm tham gia bảo hiểm của mình. Hiện nay, các cơ quan có liên quan đang gấp rút soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng về sản phẩm bảo hiểm, nghĩa vụ tham gia bảo hiểm của cá nhân, tổ chức.
Dưới đây là tổng hợp 17 loại sản phẩm bảo hiểm được quy định bởi các văn bản pháp luật hiện hành và đang áp dụng trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam :
STTLoại bảo hiểmQuy định pháp luật tương ứngNgày áp dụng
Nhóm bảo hiểm TNNN
1Bảo hiểm TNNN cho công ty môi giới bảo hiểmĐiều 8 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 20001/4/2001
2Bảo hiểm TNNN cho luật sưĐiều 40 Luật Luật sư1/1/2007
3Bảo hiểm TNNN cho công ty chứng khoánĐiều 71 Luật Chứng khoán1/1/2007
4Bảo hiểm TNNN cho công ty quản lý quỹĐiều 72 Luật Chứng khoán1/1/2007
5Bảo hiểm TNNN của Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình  Điều 58/Luật Xây dựng;1/7/2004
6Bảo hiểm TNNN của Nhà thầu giám sát thi công công trình xây dựng  Điều 90/Luật Xây dựng;1/7/2004
7Bảo hiểm TNNN cho công ty kiểm toánĐiều 25 Nghị định 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập30/3/2004
8Bảo hiểm TNNN cho doanh nghiệp thẩm đinh giáĐiều 11 Nghị định 111/2005/NĐ-CP về thẩm định giá3/8/2005
Bảo hiểm xây dựng
9Bảo hiểm công trình của Chủ đầu tư xây dựng công trình trong việc thi công công trìnhĐiều 75 Luật Xây dựng;1/7/2004
10Bảo hiểm công trình của Bên mời thầuĐiều 104 Luật Xây dựng;1/7/2004
Bảo hiểm cháy nổ
11Bảo hiểm cháy nổ bắt buộcNghị định 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc8/11/2006
Vẩn tải đường đường thuỷ
12Tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu về ô nhiễm môi trường khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Điều 28 Bộ Luật Hàng hải1/1/2006
Bảo hiểm hàng không
13Người vận chuyển phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách, việc mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hoá, hành lý và do vận chuyển chậm. Điều 163 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam1/1/2007
14Người khai thác tàu bay phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba ở mặt đất. Điều 176 Luật hàng không dân dụng Việt Nam1/1/2007
Bảo hiểm xe cơ giới
15Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới  Nghị định 115/CP về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới  17/12/1997
Bảo hiểm Du lịch
16Doanh nghiệp du lịch kinh doanh lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch; Điều 50 Luật Du lịch1/1/2006
  

Nguyễn Huy Bá - Web Bảo Hiểm

Những cách tiếp cận về mô hình phân phối bảo hiểm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương

I.    Xu hướng của các kênh phân phối bảo hiểm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Thị trường bảo hiểm khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, vì vậy việc thực thi chiến lược tăng trưởng ngày càng trở nên phổ biến đối với các công ty bảo hiểm đa quốc gia cũng như các công ty bảo hiểm nội địa trong khu vực. Gần đây, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm trong khu vực đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng ở mức cao một con số, thậm chí hai con số.
Từ trước tới nay, sự tăng trưởng doanh thu khai thác mới chủ yếu đến từ các sản phẩm định hướng đầu tư vào khách hàng (chiến lược tăng trưởng định hướng sản phẩm). Trong đó, phân phối qua đại lý đã và sẽ tiếp tục là kênh phân phối đứng đầu đối với đa số các công ty bảo hiểm cũng như hầu hết các thị trường bảo hiểm tại Châu Á, đặc biệt là tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ - những nước mà điều kiện địa lý và cơ sở hạ tầng có nhiều khó khăn cho việc phân phối bảo hiểm. Tuy nhiên, các nhà bảo hiểm có tư duy đổi mới đang hướng tới việc sử dụng đòn bẩy tăng trưởng là các kênh phân phối (chiến lược tăng trưởng định hướng vào kênh phân phối) nhằm chiếm lĩnh được các cơ hội kinh doanh tại thị trường bảo hiểm Châu Á Thái Bình Dương vốn đang tăng trưởng khá nhanh.
Chiến lược tăng trưởng mới này được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong khi một số công ty bảo hiểm tập trung vào khai thác các khách hàng khá giả, số khác lại hướng tới phân khúc thị trường bảo hiểm dành cho người thu nhập thấp. Có những công ty thực thi chiến lược tăng trưởng thông qua việc phát triển mạnh hệ thống bán chéo sản phẩm thông qua kênh bancassurance (bảo hiểm – ngân hàng), hoặc đặt trọng tâm vào khai thác bảo hiểm takaful  và các sản phẩm tài chính cho đối tượng người Hồi giáo (phải tuân thủ các luật lệ và quy định của đạo Hồi), hoặc sử dụng hình thức marketing từ xa, hay dùng marketing ảo để khai thác bảo hiểm...
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tại thị trường khu vực này, các công ty bảo hiểm giàu kinh nghiệm còn thiết kế các sản phẩm và kênh phân phối phù hợp với đặc điểm của từng nước trong khu vực. Thay vì việc tiếp cận theo hướng “một cỡ vừa cho mọi người”, các công ty bảo hiểm đa quốc gia phương Tây, các công ty bảo hiểm đa quốc gia Châu Á cũng như các công ty bảo hiểm lớn trong khu vực đang định hướng các hoạt động này sao cho phù hợp nhất với các đặc điểm về văn hóa và kinh tế-xã hội của các nước để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cao nhất.
Các công ty bảo hiểm Châu Á thường quan sát các thị trường bảo hiểm đã phát triển khác để tìm kiếm ý tưởng trong việc khai thác khách hàng mới. Kết quả là đã có một số cải tiến được áp dụng như: sử dụng mạng xã hội đối với khách hàng và nhân viên, xây dựng các mô hình phân tích và dự đoán nâng cao nhằm phát hiện khách hàng và phát triển lực lượng đại lý, chiến lược marketing mục tiêu tập trung vào từng nhóm khách hàng cụ thể - chẳng hạn nhóm các lái xe nữ giới… Trong khi các xu hướng nêu trên đã bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống ở những vùng, những khu vực khác trên thế giới thì các công ty bảo hiểm tại Châu Á Thái Bình Dương hiện vẫn đang tìm kiếm hướng đi để tăng trưởng và mở rộng thị phần.
II.    Các kênh phân phối bảo hiểm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương
1.    Bán hàng tại công sở
Bán hàng tại công sở là hình thức phân phối các sản phẩm tài chính tại công sở, trong đó mặc dù người lao động vẫn là người trả tiền mua sản phẩm/ dịch vụ nhưng người sử dụng lao động đứng ra làm đầu mối và ký hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ. Sự thành công của kênh bán hàng này phụ thuộc chủ yếu vào việc đào tạo của công ty bảo hiểm và nhận thức của khách hàng, sự hợp tác của chủ sử dụng lao động cũng như khả năng tiết kiệm chi phí từ sản phẩm và từ các quy trình tham gia bảo hiểm. Do bán hàng tại công sở là một quy trình nhiều bước và khá phức tạp nên hiện tại chưa được áp dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển.
1.1.    Đào tạo
Để triển khai kênh phân phối này, công ty bảo hiểm cần tiến hành đào tạo người sử dụng lao động và người lao động về các sản phẩm, dịch vụ hiện có cũng như những lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tại công sở. Bên cạnh đó, nhà bảo hiểm cũng cần huấn luyện cho đội ngũ đại lý và môi giới bảo hiểm các kiến thức về sản phẩm và kỹ năng bán hàng cần thiết. Việc trang bị cho các nhà môi giới những kiến thức về đặc tính của các sản phẩm cũng như cung cấp cho họ bộ tài liệu bổ trợ đi kèm sẽ có tác dụng tốt nhằm hỗ trợ cho quá trình đào tạo chủ sử dụng lao động và người lao động nêu trên.
1.2.    Chi phí và sự tiện dụng
Quy trình thẩm định và đánh giá rủi ro linh hoạt cũng là những điều kiện cần thiết cho sự thành công của kênh bán hàng các sản phẩm bảo hiểm tại công sở. Người lao động chỉ lựa chọn mua bảo hiểm qua kênh này nếu nó đem lại những lợi ích lớn hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Thêm vào đó, những lợi thế khác như sự tiện lợi của việc nộp phí bằng hình thức khấu trừ lương, việc tiết kiệm thời gian và sự nới lỏng các quy định về đánh giá rủi ro cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cân nhắc và ra quyết định của khách hàng.
1.3.    Sự hợp tác của người sử dụng lao động
Sự hợp tác chặt chẽ của người sử dụng lao động là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai thành công kênh bán hàng tại công sở. Người lao động đánh giá cao việc tiết kiệm thời gian và công sức do chủ sử dụng lao động đã thay mặt họ đánh giá, lựa chọn các nhà tư vấn và cung cấp dịch vụ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Do đó, việc ký kết hợp đồng của người sử dụng lao động có ảnh hưởng đáng kể tới tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người lao động.
Bán hàng tại công sở chỉ có thể thực sự trở thành kênh phân phối bảo hiểm hiệu quả trong điều kiện ngành bảo hiểm phát triển tốt, hệ thống các quy định pháp lý đầy đủ và hoạt động đào tạo được tiến hành bài bản. Kênh bán hàng này đang hiện diện tại các công ty bảo hiểm ở các nước Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Úc và một số công ty bảo hiểm ở Ấn Độ (Tata AIG, HDFC Standard Life, ICICI Lombard, Kotak và Reliance). Khối Dịch vụ tài chính của Công ty AMP (Úc) cho biết việc cho ra đời kênh bán hàng tại công sở là một trong các ưu tiên hàng đầu của Công ty trong năm 2010 . Bên cạnh đó, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan cũng là những nước chứng kiến sự tăng trưởng tốt của kênh phân phối này trong thời gian vừa qua.
Trong tương lai, việc tăng trưởng lực lượng lao động ở các nước đang phát triển là yếu tố không thể bỏ qua. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2010, lực lượng lao động trung lưu ở các nước đang phát triển chiếm tới 54% toàn thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm xấp xỉ 13%. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ này ở các nước đang phát triển so với toàn thế giới là 91%, trong đó riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng góp khoảng 44% . Với sự tăng trưởng của lực lượng lao động trung lưu tại Trung Quốc và Ấn Độ nhanh như vậy và với quy mô đầy tiềm năng của thị trường trong tương lai, bán hàng tại công sở cần được coi là một kênh phân phối hữu hiệu của các nhà bảo hiểm.
(Nguồn: World Bank, 2007; Deutsche Bank Research, August 2009)
(Nguồn: World Bank, 2007; Deutsche Bank Research, August 2009)

(Nguồn: World Bank, 11/2007)
(Nguồn: World Bank, 11/2007)
2.    Bảo hiểm vi mô
Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm đặc trưng bởi mức phí thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ hoặc phạm vi bảo hiểm giới hạn, được xây dựng và cung cấp trên cơ sở các nhóm không đặc thù. Đây là loại hình bảo hiểm được thiết kế dành cho các cá nhân thu nhập thấp và các doanh nghiệp không có điều kiện tiếp cận với các chương trình bảo hiểm xã hội cũng như các sản phẩm bảo hiểm thương mại truyền thống. Bảo hiểm vi mô được phân phối thông qua ba mô hình: đối tác-đại lý, phân phối qua những người bán lẻ và phân phối thông qua các tổ chức cộng đồng.
Mô hình đối tác-đại lý là hình thức phân phối được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ, theo đó một tổ chức tài chính vi mô sẽ làm đối tác với một công ty bảo hiểm để cung cấp sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vi mô. Trong mối quan hệ này, công ty bảo hiểm đảm nhiệm việc phát triển sản phẩm, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Nhà bảo hiểm thường tham khảo ý kiến của tổ chức đại lý trong quá trình thiết kế sản phẩm, đồng thời duy trì quyền kiểm soát đối với các hoạt động chiến lược liên quan tới cơ chế chuyển giao rủi ro. Về phần mình, tổ chức đại lý có trách nhiệm bán hàng và dịch vụ khách hàng đối với các sản phẩm được nhà bảo hiểm cho phép phân phối, đồng thời được hưởng hoa hồng trên cơ sở hợp đồng đã ký kết và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh kênh phân phối truyền thống thông qua các tổ chức tài chính vi mô kể trên, gần đây các công ty bảo hiểm đang thực hiện việc đa dạng hóa các kênh phân phối nhằm mở rộng cơ sở khách hàng của mình. Có thể kể đến hình thức nhà bảo hiểm phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm và xây dựng đội ngũ đại lý, trong đó lực lượng đại lý thường là phụ nữ ở các hội tương trợ. Mô hình này đã chứng tỏ sự thành công tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, các nhà bảo hiểm còn sử dụng những người bán lẻ để thực hiện phân phối sản phẩm của mình vì những ưu thế nổi trội của kênh này so với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính chuyên nghiệp, như mạng lưới phân phối rộng khắp và chi phí thấp. Đặc biệt, những người bán lẻ có thuận lợi là chiếm được sự tin tưởng, tín nhiệm của các hộ gia đình thu nhập thấp – đây là yếu tố rất quan trọng đối với việc bán các sản phẩm dịch vụ tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng. 
Ngoài ra, các kênh phân phối khác cũng được sử dụng trong bảo hiểm vi mô như bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn và hợp tác xã, các hiệp hội chế biến sữa, các ngân hàng nông nghiệp tại địa phương, bán hàng qua tivi/ bán trực tiếp, bán qua điện thoại di động, các hiệp hội tang lễ và bán hàng công sở. Trong chừng mực nhất định, bảo hiểm vi mô cũng phụ thuộc vào sự hiện diện của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tài chính vi mô, do đó kênh phân phối sử dụng sự hợp tác của các tổ chức này đang trở nên phổ biến ở những nước đang phát triển, nơi có dân số nghèo và sống ở nông thôn chiếm tỷ lệ lớn. Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Philippines là những nước đang chứng kiến sự trỗi dậy của các kênh phân phối bảo hiểm vi mô với việc gần đây một số công ty bảo hiểm lớn trên thế giới đang triển khai thí điểm các chương trình bảo hiểm vi mô nhằm đánh giá khả năng tồn tại ở các thị trường này. Tại Ấn Độ, Công ty bảo hiểm Bajaj Allianz đã bảo hiểm cho hơn 2 triệu dân cư nông thôn thông qua các chương trình bảo hiểm vi mô . Còn ở Malaysia, các công ty bảo hiểm như Etiqa và Takaful Ikhlas đã cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm vi mô takaful (dành cho những người theo đạo Hồi). Các dấu hiệu tích cực cho thấy kênh phân phối này đang trở thành một công cụ hữu hiệu nhằm đáp ứng những nhu cầu bảo hiểm cơ bản của dân cư thu nhập thấp ở nông thôn, đồng thời nhu cầu về các chương trình bảo hiểm vi mô takaful giúp nông dân giảm nghèo cũng đang ngày một tăng lên. 
Ở Trung Quốc và Ấn Độ, có nhiều loại hình bảo hiểm vi mô bắt đầu được giới thiệu và bán cho nông dân cũng như hội viên của các cộng đồng dân cư thu nhập thấp. Các sản phẩm này gồm nhiều mức và được thiết kế riêng cho từng nhóm nhu cầu cụ thể của khách hàng, bao gồm bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm máy móc và tài sản, trong đó nông dân chỉ phải đóng một khoản phí nhỏ để đổi lấy sự bảo vệ từ nhà bảo hiểm. Ngoài ra còn có bảo hiểm nhóm dưới dạng “bảo hiểm làng”, theo đó toàn bộ cư dân trong một làng được bảo hiểm bởi một đơn bảo hiểm, phí bảo hiểm thường được đóng theo tháng, số tiền bảo hiểm cho từng làng sẽ được xác định và áp dụng chung cho tất cả dân chúng trong làng. Bên cạnh đó, các đơn bảo hiểm nhân thọ cơ bản cũng được bán ở những khu vực này. Ở Ấn Độ, người ta còn sử dụng các văn phòng bán bảo hiểm di động, chẳng hạn như Công ty môi giới bảo hiểm Alegion sử dụng các xe tải làm cửa hàng bán lẻ để phân phối sản phẩm bảo hiểm tại các làng và thị trấn nhỏ nhằm tiết kiệm chi phí.
Do bản chất của bảo hiểm vi mô là mức phí thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ và lợi nhuận cũng khá khiêm tốn nên nhà bảo hiểm cần phải xem xét kỹ các rủi ro tài chính và chi phí quản lý trong quá trình cấp đơn bảo hiểm. Một yếu tố có tính then chốt trong bảo hiểm vi mô là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bảo hiểm , do vậy có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu (như Bajaj Allianz) cung cấp hoặc tham gia cung cấp bảo hiểm vi mô không chỉ đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận. Mặc dù việc phát triển sản phẩm với biên lợi nhuận thấp là khá thách thức, tuy nhiên với việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của người thu nhập thấp vẫn có thể đảm bảo cho các công ty bảo hiểm vừa thực hiện được các trách nhiệm xã hội, vừa đạt được mục tiêu về lợi nhuận.
3.    Bán hàng qua điện thoại
Bán hàng qua điện thoại là quá trình bán hàng, xúc tiến bán hàng hay khai thác sản phẩm, dịch vụ bằng công cụ điện thoại. Bán hàng qua điện thoại là kênh phân phối trực tiếp được sử dụng khá rộng rãi trong ngành bảo hiểm, thậm chí có những khu vực trên thế giới, kênh phân phối này đã được các công ty bảo hiểm ứng dụng từ nhiều thập kỷ nay. Tuy vậy đối với các nước đang phát triển ở châu Á, bán bảo hiểm qua điện thoại hiện mới đang nổi lên và từng bước đóng vai trò là một trong các kênh phân phối chính của các hãng bảo hiểm.
Bán hàng qua điện thoại có một số ưu điểm nổi trội so với các kênh phân phối bảo hiểm trực tiếp khác. Đáng chú ý nhất là khả năng tương tác: giao tiếp hai chiều và phản hồi tức thì giữa người mua và người bán. Thêm vào đó, bằng việc sử dụng kênh bán hàng này đại lý có thể tiếp cận với một số lượng lớn khách hàng trong ngày, qua đó giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả khai thác bảo hiểm.
Hiện nay, ở những nước có tỷ lệ sử dụng điện thoại cao, bán bảo hiểm qua điện thoại đã hội đủ điều kiện chín muồi để vươn lên trở thành một trong các kênh phân phối quan trọng. Tại Trung Quốc, cùng với nền kinh tế tăng trưởng mạnh, mật độ sử dụng điện thoại tại nước này đang tăng lên rất nhanh chóng, vì vậy các nhà bảo hiểm đang nhìn nhận bán hàng qua điện thoại là một kênh phân phối trực tiếp rất hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, kênh phân phối này đang vấp phải các giới hạn từ những quy định pháp lý của Trung Quốc về các loại sản phẩm được bán cũng như các khu vực địa lý được phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, ở các nước Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, phương thức bán bảo hiểm qua điện thoại cũng đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn do các nhà bảo hiểm đang tìm cách để cải thiện và nâng cao chất lượng các phương pháp thu hút khách hàng mới. 
Công ty bảo hiểm Innovative Filipino là một minh chứng về việc khôn khéo áp dụng phương thức bán hàng này. Hiện Công ty đang thiết lập và triển khai một mô hình kinh doanh năng động dưới hình thức thuyết phục các công ty viễn thông bán buôn các lô sản phẩm điện thoại di động kèm với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đặc biệt có điều khoản hợp đồng dễ hiểu và mức phí thấp. Bằng cách này, nhà bảo hiểm sẽ được tiếp cận với mạng lưới phân phối của các công ty viễn thông, đổi lại các công ty viễn thông có điều kiện nắm được các thông tin chi tiết về khách hàng đồng thời đây là cơ hội để nâng cao lòng trung thành và sự gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp .
Về loại hình sản phẩm: các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều có thể được phân phối thông qua kênh bán hàng qua điện thoại. Ở một số nước như Úc và Hàn Quốc, kênh bán hàng này được các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sử dụng nhiều hơn. Tại Hàn Quốc, bán hàng qua điện thoại là kênh chủ yếu được dùng để phân phối các dòng sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cá nhân. Mặc dù kênh phân phối này đã trở nên khá phổ biến tại một số khu vực song nó cũng có những khó khăn mang tính nội tại do thiếu sự tiếp xúc mặt đối mặt giữa người bán và người mua – một yếu tố rất cần thiết trong việc bán các sản phẩm bảo hiểm phức tạp… 
Vì những lý do kể trên nên bán hàng qua điện thoại hiện đang có xu hướng được sử dụng nhiều hơn và trở thành trào lưu đi đầu trong quy trình bán hàng .
Dẫu rằng kênh phân phối này đã gặt hái được thành công tại một số thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương song các nhà bảo hiểm cũng rất cần lưu tâm tới những thách thức của chiến lược kinh doanh dựa trên kênh bán hàng qua điện thoại, bao gồm: những khó khăn khi thâm nhập thị trường, sự khác biệt về quy định pháp lý tại các nước, các vùng khác nhau cũng như sức ép cạnh tranh từ các đối thủ dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, đối với một số công ty bảo hiểm tại Châu Á, bán hàng qua điện thoại đang đóng góp một tỷ trọng lớn trong doanh thu khai thác mới, và điều đó càng tạo thêm hấp lực đối với việc sử dụng phương thức phân phối có nhiều ưu thế này.
Thảo Phương
(Dịch từ: More than one approach Alternative insurance distribution models in Asia Pacific
Nguồn: Deloitte)