15/7/14

TOP 5 TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI


Với khối bảo hiểm phi nhân thọ, trong năm 2013, 5 doanh nghiệp bảo hiểm lớn, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.000 - 5.000 tỷ đồng, gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, PJICO và PTI có tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại.

Thay vào đó, các doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng mạnh tập trung vào nhóm 2, doanh thu bảo hiểm gốc từ 300 - 700 tỷ đồng, như MIC, Bảo Long, BIC, AIG, Samsung Vina, MSIG… Các doanh nghiệp nhỏ hơn có tốc độ tăng trưởng doanh thu thấp hoặc tăng trưởng âm. Đây là sự khác biệt trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2013.


Dự báo, sự khác biệt này sẽ tiếp tục rõ nét trong năm 2014, nhất là khi nhiều doanh nghiệp nhóm 2 như MIC hay BIC đề ra chỉ tiêu kinh doanh ở mức cao, còn một số doanh nghiệp lớn lại tỏ ra dè dặt. Lý giải về sự tăng trưởng chậm lại của các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trong năm qua, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, đó là do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế cũng như thị trường theo kiểu “làm lớn thì rủi ro lớn”. Thực tế, 5 doanh nghiệp Top đầu nắm tới gần 70% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.

Đại diện Tập đoàn Bảo Việt, đơn vị đóng góp doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2013 cho biết, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế thấp, đầu tư công được thắt chặt, đầu tư xã hội giảm, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn nên cắt giảm chi phí cho bảo hiểm, nợ phí bảo hiểm cao, trục lợi bảo hiểm gia tăng.

Năm 2013 cũng là năm có nhiều sự kiện bảo hiểm xảy ra gây tổn thất lớn như bão lũ, cháy nổ, tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp (con tôm)..., khiến doanh thu phí bảo hiểm đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các nghiệp vụ bảo hiểm tàu, cháy nổ và hàng không có tăng trưởng giảm so với năm 2012. Do khó khăn từ khu vực doanh nghiệp, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ chuyển hướng khai thác phân khúc bán lẻ và đạt được một số kết quả khả quan. Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới dự kiến tăng trưởng 27% và 10% so với năm 2012.

Trao đổi với ĐTCK về kế hoạch kinh doanh năm 2014, một số doanh nghiệp thuộc Top 5 chia sẻ, đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư cho hiệu quả hoạt động và bảo toàn vốn, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

“Chiến lược kinh doanh từ nay đến năm 2015 của Bảo Minh vẫn là phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững”, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh nói. 

Đối với PJICO, công ty này không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2014, con số doanh thu bảo hiểm gốc mà PJICO đặt ra chỉ tăng 5%, với 2.100 tỷ đồng, nhưng dự kiến lợi nhuận tăng khoảng 17%, đạt 100 tỷ đồng (năm 2013, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 85 tỷ đồng).

Tổng công ty Bảo hiểm PVI ước đạt 6.080 tỷ đồng tổng doanh thu và 456 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2013, hoàn thành kế hoạch. Năm 2014, Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu trên 10%, dự kiến đạt 6.818 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lợi nhuận là 388 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhóm 2 tự tin

Chủ tịch HĐQT MIC, ông Nguyễn Quang Hiện cho rằng, năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định khi các chính sách vĩ mô đang dần phát huy hiệu quả. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp khi ngân hàng đang triển khai mạnh các gói tín dụng kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tiêu dùng.

Đặc biệt là gói hỗ trợ thị trường bất động sản, khi thị trường bất động sản “ấm” lên sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế, giúp kinh tế hồi phục. Khi đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh. Năm 2014, MIC đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng; tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng.

Với sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ, cả MIC (qua MB) và BIC (qua BIDV) đều được nhận định, kết quả khả quan từ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng sẽ giúp doanh thu năm 2014 tăng trưởng cao.
Theo ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc BIC, sự nỗ lực vươn lên cùng với giải pháp tái cấu trúc mạnh mẽ, quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, BIC sẽ duy trì được đà tăng trưởng.

Vẫn “căng” cuộc đua Bảo Việt – PVI

Với mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 10% trong năm 2014 của Bảo hiểm PVI, dự báo cuộc đua ở nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là giữa 2 thương hiệu Bảo Việt và PVI.

Những năm gần đây, Bảo hiểm PVI dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc, nhưng tháng 10/2013 đã phải trả lại vị trí này cho Bảo hiểm Bảo Việt. 10 tháng đầu năm 2013, Bảo hiểm Bảo Việt đạt xấp xỉ 23% thị phần.

Tất nhiên, Bảo hiểm PVI vẫn là đối thủ nặng ký của Bảo Việt. Năm 2013, PVI đạt mức tăng trưởng 16% doanh thu bảo hiểm từ bán lẻ (cao hơn mức tăng trưởng chung của thị trường), bên cạnh việc duy trì vị trí nhà bảo hiểm công nghiệp số 1.

Mặc dù vậy, áp lực trong năm 2014 với PVI là những khó khăn từ thị trường bảo hiểm công nghiệp truyền thống do sự hồi phục chậm của sản xuất công nghiệp và các dự án, công trình thiếu vốn giải ngân, cùng với tình trạng cạnh tranh gay gắt về phí bảo hiểm.

Bảo hiểm Bảo Việt cũng chịu áp lực chung từ thị trường, từ khó khăn của kinh tế vĩ mô, nhất là rủi ro liên quan đến các vụ cháy. Dẫu vậy, xét từ góc độ lợi nhuận, doanh nghiệp này cho biết, bất chấp rủi ro liên quan đến các vụ cháy thời điểm cuối năm 2013, Bảo hiểm Bảo Việt vẫn đạt được con số lợi nhuận khả quan trong năm này.

Kim Lan

CHI PHÍ CỦA LUẬT ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG THANH TOÁN II (SOLVENCY II) LÀ “HỢP LÝ”?

Theo kết quả một khảo sát do Grant Thornton Anh quốc tiến hành mới đây trong ngành bảo hiểm, chỉ có 6% số người được hỏi cho rằng chi phí của Luật Đảm bảo khả năng thanh toán II (Solvency II) là “hợp lý”. Trong khi đó, hơn 3/4 (76%) số người đánh giá khoản chi phí này là không phù hợp và gần 2/3 số người (65%) tin rằng giá trị gia tăng mà Solvency II đem lại không tương xứng với chi phí phải bỏ ra.
Solvency II là dự thảo luật mới của Liên minh châu Âu (EU) thay thế cho Solvency I. Theo dự thảo, mức vốn yêu cầu đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phải tương ứng với những rủi ro thể hiện trên sổ sách của doanh nghiệp nhằm bảo vệ khách hàng tốt hơn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Solvency II sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
77 quản trị viên cao cấp tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe tại Anh quốc đã tham gia cuộc khảo sát của Grant Thornton. Kết quả là đại đa số người được hỏi đều bày tỏ sự quan ngại tới việc thực thi dự luật này.
Có tới 77% số người được phỏng vấn tin rằng Solvency II sẽ tận dụng hết các nguồn lực quan trọng mà nếu dành cho các lĩnh vực khác sẽ đem lại lợi ích lớn hơn; 66% số người cảm thấy quá trình chuẩn bị cho dự luật này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của các nhà quản lý cấp cao.
So với lần khảo sát năm 2012 cũng do Grant Thornton tiến hành, kết quả khảo sát lần này cho thấy tỷ lệ số người nhận định “Solvency II là phương thức tiến hành kinh doanh phù hợp nhất” đã tăng từ 1/4 (năm 2012) lên 1/3 (năm 2014) trên tổng số người tham gia phỏng vấn. Đồng thời, số ý kiến cho rằng Solvency II là một “sự khó chịu cần thiết” cũng tăng từ 27% (năm 2012) lên 44% (năm 2014).
Theo ông Simon Sheaf, Giám đốc Định phí và Rủi ro của Grant Thornton Anh quốc: “Các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm ngày càng coi dự luật này là ‘sự khó chịu cần thiết’ buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, rõ rang rằng họ không nhận thấy những lợi ích do Solvency II đem lại là hoàn toàn đủ lớn để bù đắp cho các chi phí bỏ ra. Đến nay, khối lượng công việc đã thực hiện và những nguồn lực đã tiêu dung cho việc chuẩn bị triển khai dự luật này thật đáng kinh ngạc. Đồng thời qua quá trình đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có được những nguồn dự phòng đáng kể cho hoạt động kinh doanh của mình”.
Những vướng mắc đáng kể nhất đối với thị trường bảo hiểm trong việc triển khai Solvency II vẫn không thay đổi so với kết quả khảo sát năm 2012, đó là sự không rõ rang trong các yêu cầu của dự luật và sự thiếu hụt các nguồn lực. Những người tham dự phỏng vấn cũng chỉ ra các trở ngại khác như: các vấn đề về mặt dữ liệu, việc không hiểu về các quy định mới cũng như thiếu sự tham gia nhiệt tình của HĐQT doanh nghiệp.
Mặc dù phần lớn số người được hỏi (94%) đồng ý với các nguyên tắc của Solvency II, song có tới 3/4 (74%) số ý kiến cho rằng các nguyên tắc này đã bị phá vỡ trong quá trình triển khai.
Ông Simon bổ sung: “Trước đây, các nguyên tắc của Solvency II đã từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, sự không rõ rang về thời hạn triển khai cũng như các yêu cầu của dự luật đang khiến cho việc “nuốt” viên thuốc này ngày càng trở nên “đắng” hơn. Hoạt động kinh doanh cần dựa trên sự chắc chắn, và mặc dù bảo hiểm là ngành kinh doanh rủi ro song các doanh nghiệp trong ngành vẫn cảm thấy họ đang phải chịu một gánh nặng không cần thiết từ sự phức tạp của Solvency II”.
Về thời hạn triển khai, phần lớn số người được hỏi đều lạc quan về mốc 01/01/2016 với 76% số người đồng ý rằng đó sẽ là thời điểm dự luật đi vào cuộc sống, và 98% số người cho rằng doanh nghiệp của mình cần chuẩn bị tốt cho thời điểm này. Dẫu vậy, gần 2/5 (39%) số ý kiến tin rằng chỉ có không tới 70% số doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện được điều đó.
Thu Phương (theo Acturialpost)