15/7/14

CHI PHÍ CỦA LUẬT ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG THANH TOÁN II (SOLVENCY II) LÀ “HỢP LÝ”?

Theo kết quả một khảo sát do Grant Thornton Anh quốc tiến hành mới đây trong ngành bảo hiểm, chỉ có 6% số người được hỏi cho rằng chi phí của Luật Đảm bảo khả năng thanh toán II (Solvency II) là “hợp lý”. Trong khi đó, hơn 3/4 (76%) số người đánh giá khoản chi phí này là không phù hợp và gần 2/3 số người (65%) tin rằng giá trị gia tăng mà Solvency II đem lại không tương xứng với chi phí phải bỏ ra.
Solvency II là dự thảo luật mới của Liên minh châu Âu (EU) thay thế cho Solvency I. Theo dự thảo, mức vốn yêu cầu đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phải tương ứng với những rủi ro thể hiện trên sổ sách của doanh nghiệp nhằm bảo vệ khách hàng tốt hơn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Solvency II sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
77 quản trị viên cao cấp tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe tại Anh quốc đã tham gia cuộc khảo sát của Grant Thornton. Kết quả là đại đa số người được hỏi đều bày tỏ sự quan ngại tới việc thực thi dự luật này.
Có tới 77% số người được phỏng vấn tin rằng Solvency II sẽ tận dụng hết các nguồn lực quan trọng mà nếu dành cho các lĩnh vực khác sẽ đem lại lợi ích lớn hơn; 66% số người cảm thấy quá trình chuẩn bị cho dự luật này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của các nhà quản lý cấp cao.
So với lần khảo sát năm 2012 cũng do Grant Thornton tiến hành, kết quả khảo sát lần này cho thấy tỷ lệ số người nhận định “Solvency II là phương thức tiến hành kinh doanh phù hợp nhất” đã tăng từ 1/4 (năm 2012) lên 1/3 (năm 2014) trên tổng số người tham gia phỏng vấn. Đồng thời, số ý kiến cho rằng Solvency II là một “sự khó chịu cần thiết” cũng tăng từ 27% (năm 2012) lên 44% (năm 2014).
Theo ông Simon Sheaf, Giám đốc Định phí và Rủi ro của Grant Thornton Anh quốc: “Các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm ngày càng coi dự luật này là ‘sự khó chịu cần thiết’ buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, rõ rang rằng họ không nhận thấy những lợi ích do Solvency II đem lại là hoàn toàn đủ lớn để bù đắp cho các chi phí bỏ ra. Đến nay, khối lượng công việc đã thực hiện và những nguồn lực đã tiêu dung cho việc chuẩn bị triển khai dự luật này thật đáng kinh ngạc. Đồng thời qua quá trình đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có được những nguồn dự phòng đáng kể cho hoạt động kinh doanh của mình”.
Những vướng mắc đáng kể nhất đối với thị trường bảo hiểm trong việc triển khai Solvency II vẫn không thay đổi so với kết quả khảo sát năm 2012, đó là sự không rõ rang trong các yêu cầu của dự luật và sự thiếu hụt các nguồn lực. Những người tham dự phỏng vấn cũng chỉ ra các trở ngại khác như: các vấn đề về mặt dữ liệu, việc không hiểu về các quy định mới cũng như thiếu sự tham gia nhiệt tình của HĐQT doanh nghiệp.
Mặc dù phần lớn số người được hỏi (94%) đồng ý với các nguyên tắc của Solvency II, song có tới 3/4 (74%) số ý kiến cho rằng các nguyên tắc này đã bị phá vỡ trong quá trình triển khai.
Ông Simon bổ sung: “Trước đây, các nguyên tắc của Solvency II đã từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, sự không rõ rang về thời hạn triển khai cũng như các yêu cầu của dự luật đang khiến cho việc “nuốt” viên thuốc này ngày càng trở nên “đắng” hơn. Hoạt động kinh doanh cần dựa trên sự chắc chắn, và mặc dù bảo hiểm là ngành kinh doanh rủi ro song các doanh nghiệp trong ngành vẫn cảm thấy họ đang phải chịu một gánh nặng không cần thiết từ sự phức tạp của Solvency II”.
Về thời hạn triển khai, phần lớn số người được hỏi đều lạc quan về mốc 01/01/2016 với 76% số người đồng ý rằng đó sẽ là thời điểm dự luật đi vào cuộc sống, và 98% số người cho rằng doanh nghiệp của mình cần chuẩn bị tốt cho thời điểm này. Dẫu vậy, gần 2/5 (39%) số ý kiến tin rằng chỉ có không tới 70% số doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện được điều đó.
Thu Phương (theo Acturialpost)

Không có nhận xét nào: