18/1/12

Ngành bảo hiểm: càng mở, càng thách thức

Năm mới cũng là thời điểm thị trường bảo hiểm trong nước mở cửa rộng hơn. Nhân dịp này, ĐTCK đã có cuộc trò chuyện với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI). 
alt
Theo ông Lộc, từ đây, với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội. Tuy nhiên, hy vọng, thách thức nhiều, doanh nghiệp trong nước sẽ rắn rỏi hơn, để phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.
Cần khẳng định trước tiên, bảo hiểm là nghề kinh doanh có điều kiện. Ngay doanh nghiệp trong nước khi thành lập cũng đã khó, chứ chưa nói đến mở cửa thị trường.
Về cơ bản, động thái này không khác gì nhiều so với cam kết có trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Vì vậy, đây được xem là mở cửa thị trường rộng hơn, chứ không phải là mở cửa bước đầu. Khách hàng sẽ là người được hưởng lợi trước tiên vì có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm đa dạng, phù hợp hơn.
Còn về phía doanh nghiệp nội, nhìn tổng thể, thách thức sẽ nhiều hơn.  Thứ nhất, tăng thêm đối thủ cạnh tranh. Thứ hai, do chi nhánh ngoại sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp nội như: không hạch toán tại Việt Nam mà đưa về hạch toán tại công ty mẹ; không khống chế chi phí quảng cáo. Từ đó, gây ra một cuộc cạnh tranh không cân sức, mà doanh nghiệp Việt Nam ở thế yếu hơn. Trong khi đó, doanh nghiêp nội chịu sức ép hoạt động có lãi, còn bên kia thì không.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn có những lợi thế nhất định, điển hình là quản lý tập trung, giám định, bồi thường tại chỗ.
Mặc dù được hội nhập từ trước, thị trường bảo hiểm hiện vẫn được xem là chưa theo kịp đà phát triển của thị trường các nước. Theo ông, thị trường “ta” cần khắc phục điều gì để cải thiện tình trạng này?
Nhược điểm lớn nhất trên thị trường hiện nay là sự hạn chế trong công nghệ thông tin để quản lý khách hàng, thu phí bồi thường, giám định kịp thời, chính xác, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm.
Thứ hai, là sự phát triển thiếu đồng bộ trong khâu xử lý, tiếp nhận thông tin giám định, ảnh hưởng đến công tác bồi thường 24/24, 7/7. Các nước có hẳn mô hình tổ chức tư vấn giám định độc lập, cũng như doanh nghiệp cứu hộ cứu nạn độc lập. Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp phải “ôm” tất, dẫn đến khâu xử lý thông tin thiếu kịp thời.
Thứ ba, tại thị trường các nước, bảo hiểm được bán chủ yếu qua kênh đại lý, nên tránh được tình trạng cạnh tranh bằng việc sửa đổi bổ sung phí bảo hiểm, mà cạnh tranh chủ yếu từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm.
Thứ tư, tại Việt Nam, thủ tục không đơn giản, nhanh gọn. Trong khi ở các nước, khi cần bồi thường, không bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ, mà đôi khi chỉ cần bồi thường bằng tiền mặt.
Ngoài ra, thị trường các nước còn cung cấp dịch vụ tốt nhằm giữ chân khách hàng, như khuyến khích bồi thường thêm cho người mua bảo hiểm, cho phép bồi thường thiện chí.
Để khắc phục các hạn chế trên có khó không, thưa ông?
Không khó, nhưng vấn đề là chúng ta chưa đủ điều kiện để thực hiện như các nước. Chúng ta đang đem tư duy quản lý từ thời bao cấp để áp dụng tại thời điểm này. Ở Việt Nam, không quy định thì được hiểu là không được làm, còn ở các nước, những điều cấm thì mới không được làm.
Ông từng bộc bạch, trăn trở lớn nhất của mình là người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của bảo hiểm. Đến giờ thì sao?
Ai từng hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm cũng trăn trở về việc tổ chức và cá nhân còn chưa hiểu hết ý nghĩa của bảo hiểm, thể hiện ở quy mô thị trường bảo hiểm, phí bảo hiểm bình quân đầu người hiện còn nhỏ so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Trách nhiệm của người làm bảo hiểm cũng vì thế mà cần nâng cao hơn.
Theo ông, đến khi nào doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam sẽ tự nguyện mua bảo hiểm, mà không cần đến quy định bắt buộc của Chính phủ?
Hiện nay, có 2 sản phẩm bảo hiểm bắt buộc là bảo hiểm cháy nổ và xe cơ giới. Tôi nghĩ, chỉ đến khi doanh nghiệp giảm bớt phần vốn nhà nước và khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn về vốn trong nền kinh tế, số doanh nghiệp tự nguyện mua bảo hiểm mới nhiều lên, bởi họ có trách nhiệm gắn chặt với tài sản của doanh nghiệp. Ở các nước, trong điều lệ công ty cũng như tổ chức, mặc nhiên quy định, người quản lý phải mua bảo hiểm.
Được biết, ông đã tham gia không ít sản phẩm bảo hiểm. Ông có thể tiết lộ đã mua sản phẩm bảo hiểm nào và của công ty nào? Đã bao giờ ông bị từ chối bồi thường?
Cá nhân tôi cùng gia đình tôi đã mua khá nhiều loại bảo hiểm khác nhau như bảo hiểm sức khỏe, xe máy. Bảo hiểm nhân thọ thì của Prudential, Manulife, Dai-ichi. Còn phi nhân thọ thì của Bảo Việt. Có thể vì ở cương vị này nên tôi chưa từng gặp khó khăn như các khách hàng khác. Trong năm qua, AVI cũng nhận được khá nhiều khiếu kiện liên quan đến từ chối bồi thường, chủ yếu liên quan đến bảo hiểm cháy nổ và xe cơ giới.
(ĐTCK)

Không có nhận xét nào: