5/9/11

Sắp hết room, PVI không bán tiếp cho Quỹ Oman


(ĐTCK-online) Đó là khẳng định của ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán ngày 29/8.Cụ thể, theo ông Thuận, với thỏa thuận bán 25% vốn điều lệ sau khi tăng thêm cho đối tác nước ngoài Talanx ngày 17/8 cộng với việc Oman đã nắm giữ trên 12% vốn của PVI, đi kèm với lượng cổ phần do NĐT nước ngoài sở hữu trôi nổi trên thị trường niêm yết, PVI Holdings đã gần như hết room nước ngoài (phía nước ngoài hiện nắm khoảng 47%) để bán tiếp cho Oman như Nghị quyết HĐQT hồi tháng 5.
Theo nghị quyết kể trên, PVI đã thông qua chủ trương phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác nước ngoài là Quỹ đầu tư Oman với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2010 (22.000 đồng/CP) để tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỷ đồng. Theo thỏa thuận đã ký với Talanx, nếu tính trên vốn điều lệ hiện tại (gần 1.600 tỷ đồng), Talanx sẽ mua 30% vốn của PVI. Do đó, theo ông Thuận, để triển khai kế hoạch tăng vốn các bước tiếp theo (từ 2.100 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng theo Nghị quyết HĐQT), PVI sẽ không thực hiện phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài, mà phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Khi room cho khối ngoại gần như đã kín, câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu PVI có còn hấp dẫn, khi lâu nay cổ phiếu này vốn được coi là thanh khoản nhờ giao dịch của khối ngoại? Theo đại diện PVI, tính hấp dẫn của cổ phiếu PVI vẫn nguyên vẹn bởi DN hội tụ nhiều giá trị "độc" như có 2 NĐT chiến lược nước ngoài tầm cỡ; PVI hiện là DN Việt Nam đầu tiên và duy nhất được tín nhiệm xếp hạng quốc tế từ Tổ chức xếp hạng quốc tế A.M. Best; là DN duy nhất có giấy phép hoạt động trong cả 2 lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và kinh doanh tái bảo hiểm...

Về lý do năm nay PVI lựa chọn Talanx (một nhà bảo hiểm toàn cầu) làm đối tác chiến lược thay vì là một quỹ đầu tư, giống như Oman, ông Thuận lý giải, đó là do Talanx hội tụ các điều kiện cần và đủ của PVI tại thời điểm này. Cụ thể, tiêu chí số 1 trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài thứ 2 (sau Oman) của PVI sau khi tái cấu trúc thành công đó phải là một  nhà bảo hiểm chuyên nghiệp; sau đó mới là có mức giá chào mua cổ phần tốt nhất; có đề xuất hỗ trợ kỹ thuật phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của PVI; có cam kết đầu tư lâu dài, định hướng phù hợp với chiến lược phát triển của PVI.

Diệu Minh
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Không có nhận xét nào: