15/7/11

Bảo hiểm phi nhân thọ: Nói “không” với tăng trưởng nóng

Để đối phó với những khó khăn thách thức do bối cảnh lạm phát hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai các giải pháp, nhằm vào 3 mục tiêu lớn: tăng trưởng doanh thu, tăng hiệu quả và an toàn đầu tư tài chính, tiết giảm chi phí.CôngThương - Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam- trong bối cảnh Chính phủ kiềm chế lạm phát bằng cắt giảm đầu tư công, giảm tăng trưởng tín dụng dưới 20%, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không còn thế mạnh khai thác các công trình xây dựng lắp đặt, tài sản cho thuê tài chính...
Để tăng trưởng doanh thu, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải “nói không” với tăng trưởng nóng và kinh doanh các sản phẩm phải bảo đảm không lỗ, có lãi về nghiệp vụ bảo hiểm.
Hàng loạt giải pháp được áp dụng như: Mạnh dạn thu hẹp quy mô kinh doanh của các nghiệp vụ bảo hiểm tại các chi nhánh, công ty thành viên đang gây lỗ. Những nghiệp vụ bảo hiểm: Xe cơ giới, tai nạn y tế, hàng hóa, tàu biển, cháy nổ có mức doanh thu cao, nhưng rủi ro lớn được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng thận trọng hoặc chấp nhận không tăng trưởng. Thay vào đó, thực hiện đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu và kích thích mở rộng nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần thận trọng khi đầu tư tài chính, bởi hiện nay đầu tư tài chính mà còn có thể mất cả gốc trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản chưa có dấu hiệu ổn định, phát triển. Không ít các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lựa chọn giải pháp đầu tư tiền gửi ngân hàng để an toàn hiệu quả, hoặc tận dụng thế mạnh của mình để đầu tư vào lĩnh vực góp vốn kinh doanh, bất động sản đang phát huy hiệu quả cao.

Để tiết giảm chi phí, trước hết đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng năng suất lao động. Hiện doanh thu phí bảo hiểm trên 1 cán bộ nhân viên của công ty bảo hiểm đang ở mức 600 đến 1,2 tỷ đồng/người, trong đó môi giới và đại lý bảo hiểm đem lại phần doanh thu không nhỏ.

Bình quân doanh thu mỗi hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm là 1 triệu đồng, bồi thường mỗi vụ là 10 triệu đồng. Như vậy, để đạt được doanh thu 500 tỷ đồng, doanh nghiệp phải quản lý tới 500.000 hợp đồng bảo hiểm, giải quyết bồi thường 250 tỷ đồng, tương đương với 25.000 vụ. Vậy, để nâng cao năng suất lao động, con đường tốt nhất là phải đưa công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo nhanh gọn, chính xác.

Ngoài ra, cắt giảm chi phí đòi hỏi quản lý chặt chẽ khâu bồi thường, hạn chế được trục lợi bảo hiểm. Nếu giảm được 3-5% tỉ lệ bồi thường mỗi năm, phí bảo hiểm thu đúng, thu đủ, giảm được 30% trục lợi bảo hiểm thì sẽ tiết giảm đáng kể một lượng chi phí lớn.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo bằng cách đào tạo và tự đào tạo, đáp ứng được những tiêu chuẩn đề ra, tương xứng với vị trí công tác. Nếu trình độ quản lý và trình độ nghiệp vụ không được nâng cao thì người quản lý sẽ không kiểm soát nổi, dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém hoặc thua lỗ. Mặt khác, trước sức ép tăng lợi nhuận, tăng cổ tức chi trả cổ đông, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có cải tiến, cải tổ, sắp xếp lại.

Vũ Điển
baocongthuong.com.vn

Không có nhận xét nào: