20/12/11

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thích “chơi” với rủi ro

(ĐTCK-online) Dù tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2011 trung bình chỉ khoảng 35%, nhưng tại một số nghiệp vụ bảo hiểm vẫn còn tỷ lệ bồi thường rất cao.
Điển hình như nghiệp vụ bảo hiểm thiết bị điện tử 102%, bảo hiểm hàng không 80%, bảo hiểm xe cơ giới 49%, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu 46%.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, tỷ lệ bồi thường lý tưởng nhất là dưới 40% doanh thu phí bảo hiểm. Tuy nhiên, để đạt được con số này là không hề đơn giản.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt. Tình trạng cạnh tranh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm để giành giật khách không tương xứng với rủi ro chấp nhận bảo hiểm đã làm cho nhiều DN bảo hiểm nhiều năm liên tục thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm. Chín tháng đầu năm 2011, vẫn còn nhiều DN có tỷ lệ bồi thường cao như BIC 68%, Bảo Long 56%, Liberty 54%, Bảo Việt 48%, Phú Hưng 46%, Bảo hiểm Hàng không 46%.
Tiếp tục là nghiệp vụ có doanh thu cao nhất, nhưng tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới cũng khá cao. Chỉ tính riêng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, tỷ lệ bồi thường là 41%. Các DN bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao là Phú Hưng 661%, MSIG 77%, UIC 85%. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm là do giá cả phụ tùng tăng cao, chi phí sửa chữa xe cơ giới cũng tăng theo lạm phát. Đồng thời, một số xe mới đòi hỏi phụ tùng và sửa chữa đặc chủng, gây khó khăn cho DN bảo hiểm. Hiện tượng mất cắp toàn bộ xe, trong đo, giấy tờ liên quan để trong xe đang là vấn đề nổi cộm.
Tương tự, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại tính chung toàn thị trường 3 năm liền đã rơi vào tình trạng có tỷ lệ bồi thường (kể cả khiếu nại chưa giải quyết) xấp xỉ 100%. 9 tháng đầu năm 2011, các DN có tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ này khá cao là Baoviet Tokyo Marine 109%, BIC 66%, Pjico 63%, Samsung Vina 47%...
Ở các nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản…, tỷ lệ bồi thường vượt ngưỡng 40% doanh thu vẫn còn nhiều. Chẳng hạn như với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, vẫn còn nhiều DN có tỷ lệ bồi thường cao là Fubon 58%, Bảo Long 94%, Pjico 53%, Bảo Việt 50% (số liệu 9 tháng năm 2011).
Là những nghiệp vụ được đánh giá sẽ mang lại doanh thu và thị phần cho nhiều DN, thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm đã chú trọng phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong… rất hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện tượng trục lợi bảo hiểm vẫn xảy ra khi các DN chưa thể kiểm soát chặt chẽ khâu điều trị khi thanh toán bằng hóa đơn mua thuốc, viện phí điều trị kỹ thuật cao, hoặc những bệnh thông thường vẫn nằm điều trị nội trú dài ngày, trong đo, kê nhiều loại thuốc không liên quan đến điều trị bệnh…
Với sản phẩm bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản, tỷ lệ bồi thường cao gồm Phú Hưng 316%, BIC 101%, Baoviet Tokyo Marine 91%, ABIC 90%, UIC 73% (số liệu 9 tháng đầu năm 2011). Theo Hiệp hội Bảo hiểm, đối với nghiệp vụ này, những khuyến cáo về cơ sở ngành hàng có nguy cơ cháy nổ cao đi liền với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh mà Hiệp hội đã đưa ra chưa được nhiều DN bảo hiểm thực hiện.
Để hạn chế tổn thất và giảm tỷ lệ bồi thường cho các DN bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đang chủ trương triển khai chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro đối với khách hàng, đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao như: không nộp đủ phí, đã từng trục lợi bảo hiểm, có số lần tổn thất hoặc số tiền bồi thường cao trong thời gian qua và chương trình xây dựng biểu phí sàn để khuyến cáo các DN bảo hiểm.
Thực tế, chương trình xây dựng quản lý hệ thống thông tin quản lý rủi ro đối với khách hàng đã được các DN bảo hiểm phi nhân thọ đem ra bàn bạc từ lâu, nhưng một phần do lợi ích cục bộ của mỗi đơn vị nên vẫn chưa có sự đồng thuận. Hy vọng rằng, với quyết tâm của Hiệp hội, việc chia sẻ danh sách khách hàng rủi ro sẽ sớm được thực hiện. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, các giải pháp được đưa ra chỉ mong kéo bớt được phần nào tỷ lệ bồi thường còn quá cao như hiện nay của các DN bảo hiểm phi nhân thọ.
"Làm bảo hiểm là chơi với rủi ro, nếu không cân bằng được nguyên tắc số đông, mà chỉ khai thác được ít khách hàng thì khó có cách nào kiểm soát được tỷ lệ bồi thường", ông Lộc nhận định.

( ĐTCK )     Gia Linh

Không có nhận xét nào: