20/12/11

Thị trường bảo hiểm 2012: Lành mạnh hoá cạnh tranh

Theo số liệu tạm tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), năm 2011, dù có nhiều khó khăn, tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (18% so với 20,7%).

AVI dự báo năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, tăng 19 - 21%. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng đó, ngành bảo hiểm phải khắc phục được một số hạn chế, trong đó, nổi lên là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Kỳ vọng năm 2012
Đánh giá về kế hoạch phát triển của ngành bảo hiểm năm 2012, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Trần Xuân Hà, nhấn mạnh 3 điểm mà ngành cần hướng tới. Thứ nhất, cần nỗ lực cùng nhau phát triển sản phẩm mới, có ích cho nền kinh tế, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, cùng một số sản phẩm dịch vụ khác. Thứ hai, nên quan tâm nhiều hơn nữa đến việc nâng cao năng lực tài chính, trình độ nghiệp vụ bảo hiểm, quy trình quản lý rủi ro bảo hiểm. Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cần tăng cường hợp tác trong cạnh tranh.
"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã chính thức được ban hành. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đã được trình ký, sẽ ban hành chính thức trong tháng 12 này. Điều này sẽ tạo điều kiện để các DNBH cùng nhau xây dựng thị trường phát triển nhanh và bền vững", Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về yêu cầu đảm bảo tính lành mạnh, an toàn của ngành bảo hiểm, ông Hà cho biết, chiều ngày 16/12, Bộ Tài chính đã họp bàn về ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán, trong đó có đề cập đến việc tái cơ cấu các DNBH sao cho phát triển lành mạnh, an toàn trong toàn hệ thống và ngày càng cung cấp các dịch vụ cao hơn cho xã hội.
Về khía cạnh này, trao đổi thêm với ĐTCK, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho rằng, để phát triển thị trường trong thời gian tới, các DNBH cần chủ động thực hiện các quy định về an toàn tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp ngắn và dài hạn (đến năm 2020); xây dựng các phương án đối phó với khả năng xấu nhất; thực hiện chính sách quản lý chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng.

Cạnh tranh không lành mạnh: rào cản lớn nhất
Đằng sau những con số ấn tượng kể trên và đằng sau những nỗ lực không nhỏ của các DNBH trong việc hợp tác, để cùng phát triển thị trường theo hướng hiệu quả (tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng, giảm cạnh tranh phi kỹ thuật…), vẫn còn có những "hạt sạn", chẳng hạn như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Một số CEO bảo hiểm còn nói vui rằng, đằng sau những cái "tay bắt mặt mừng" giữa các lãnh đạo DNBH là những cuộc chiến nảy lửa nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm AAA ngao ngán cho rằng, vì cạnh tranh khốc liệt, nên để cạnh tranh, có những DNBH đã bỏ ra một đồng rưỡi thậm chí hai đồng để lấy một đồng doanh số. Trong khi ấy, khâu sau bán hàng là "bồi thường" lại bị bỏ quên.
CEO của một DNBH phi nhân thọ hàng đầu thì khẳng định, cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, từ cạnh tranh bởi áp lực tăng doanh số đến việc giành giật nhân sự, thậm chí còn nói xấu lẫn nhau.
Để hạn chế tình trạng này, ông Hoan cho rằng, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm cần có chiến lược phát triển lâu dài, hướng tới sự tồn tại và phát triển. "Cạnh tranh là động lực của sự phát triển, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Sự cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và thị trường nói chung", vị này nói.
Còn theo bà Liên, từ năm 2012, nên có lộ trình lập mới các DNBH nhằm tạo đà phát triển tốt hơn cho thị trường, hạn chế tình trạng lập mới một cách tràn lan trong một thời gian quá ngắn.
Tuy nhiên, theo ông Tôn Lâm Tùng, Quyền Tổng giám đốc BIC, trong năm 2012, một trong các công cụ phục vụ cho cạnh tranh sẽ được các DNBH đẩy mạnh, đó là tập trung vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng, đẩy nhanh thời gian và chất lượng giải quyết bồi thường.
(ĐTCK-online

Không có nhận xét nào: