20/12/11

Những cách tiếp cận về mô hình phân phối bảo hiểm tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (Phần 3)

6.              Quản lý của cải/ Tư vấn tài chính
Ở nhiều nước, tầm quan trọng của các nhà tư vấn tài chính (độc lập hoặc có liên kết với các đại lý và ngân hàng) đối với ngành bảo hiểm đang tăng lên. Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Xin-ga-po đều nhìn nhận các nhà tư vấn tài chính là một kênh phân phối bảo hiểm quan trọng, đặc biệt do bảo hiểm đang ngày càng được coi là một thành phần quan trọng trong chiến lược đầu tư cá nhân.
Úc và Niu-di-lân là hai thị trường trong đó kênh phân phối thông qua quản lý của cải/ tư vấn tài chính được đánh giá là phát triển tốt. Trong 20 năm qua, các quy định quan trọng của chính phủ Úc đã yêu cầu người sử dụng lao động phải đóng góp vào quỹ trợ cấp hưu của người lao động số tiền tính bằng một tỷ lệ nhất định (hiện nay là 9%) tiền lương của người lao động. Vì vậy, nhiều người phát sinh nhu cầu tư vấn đầu tư và họ tìm đến các nhà lập kế hoạch tài chính. Công ty bảo hiểm hợp tác với các nhà quản lý của cải để xây dựng các sản phẩm bảo hiểm cải tiến cho phép người về hưu đầu tư một cách thận trọng nhằm đạt được mức thu nhập đủ để trang trải các nhu cầu thiết yếu trong tương lai có tính tới các yếu tố như: tuổi thọ dự kiến, chăm sóc sức khỏe, sự suy thoái của thị trường và lạm phát.[i] Vào cuối năm 2009, Tập đoàn ngân hàng ANZ đã mua cổ phần còn lại trong liên doanh với ING Úc nhằm tăng cường vị thế của mình về bảo hiểm và quản lý của cải cá nhân. (ING Úc và ANZ hợp nhất lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và quản lý của cải thông qua liên doanh thành lập năm 2002). Sau khi thương vụ hoàn thành, ANZ trở thành nhà bảo hiểm nhân thọ lớn thứ ba và nhà quản lý quỹ bán lẻ lớn thứ năm tại Úc với tổng giá trị quỹ thuộc phạm vi quản lý là 45 tỷ đô la Úc và 1.700 các nhà tư vấn liên kết.[ii]
Đến năm 2013, Châu Á Thái Bình Dương sẽ vượt Bắc Mỹ về tài sản của những người có thu nhập cao (HNWI)[iii], trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ.[iv]  Do mức thu nhập trong khu vực tăng lên bên cạnh nhu cầu của khách hàng cần có những giải pháp tài chính được thiết kế phù hợp hơn nên dịch vụ quản lý của cải phục vụ HNWI được kỳ vọng là sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt cho từng đối tượng khách hàng. Kênh phân phối này có triển vọng rất đáng kể do sự gia tăng số lượng những người khá giả[v] ở các nước Châu Á. Bộ phận khách hàng này nằm ở khu vực thấp hơn ngưỡng mục tiêu của dịch vụ ngân hàng cá nhân cho người thu nhập cao HNWI [vi], tuy nhiên họ vẫn đòi hỏi phải được đối xử đặc biệt, tư vấn có chất lượng và mức độ dịch vụ cao hơn so với các đại lý thông thường. Trong vòng 10 đến 20 năm tới, khu vực khách hàng này được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tốt và các nhà bảo hiểm đang xây dựng các đội bán hàng “tinh nhuệ” để tiếp cận đối tượng này. Các ngân hàng cũng đã có các chiến lược nhằm cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho HNWI. Thời gian tới, các công ty bảo hiểm cũng sẽ sớm thực thi các chiến lược tương tự để sử dụng những người quản lý của cải/ tư vấn tài chính trong việc bán bán sản phẩm bảo hiểm cho các khách hàng giàu có HNWI.
7.              Takaful
Takaful là một thuật ngữ bảo hiểm của Đạo Hồi được xây dựng trên nền tảng muamalat Hồi giáo (các giao dịch ngân hàng), tuân theo các luật và quy định của thế giới Hồi giáo. Bảo hiểm takaful hiện đang tăng trưởng nhanh hơn 35% so với tốc độ tăng của ngành bảo hiểm truyền thống trên toàn cầu, đồng thời cũng tăng nhanh ở các nước có số lượng lớn cư dân Đạo Hồi như Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a.[vii] Sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực bảo hiểm này giúp cho khách hàng có thể tiếp cận với những sản phẩm hấp dẫn với mức giá cả phù hợp túi tiền hơn, trong khi vẫn đảm bảo phù hợp về tôn giáo và văn hóa.
Ma-lai-xi-a là thị trường lớn nhất và vượt xa các nước khác trong khu vực về bảo hiểm takaful, đồng thời là một trong các thị trường bảo hiểm takaful ổn định và uy tín nhất trên thế giới. Đối với các nước In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Brunei, loại hình bảo hiểm này mặc dù có doanh thu phí hàng năm nhỏ hơn đáng kể song được đánh giá là sẽ tăng trưởng nhanh do nhận thức của dân chúng về sản phẩm và sự gia tăng các quyền lợi bảo hiểm. Trận sóng thần năm 2004 tại Thái Lan đã thúc đẩy ngành bảo hiểm nước này tăng trưởng nhanh hơn bởi lẽ một khu vực rộng lớn cư dân Hồi giáo ở miền nam tham gia bảo hiểm dưới giá trị và đã phải gánh chịu tổn thất rất lớn về kinh doanh và cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy, kênh phân phối bảo hiểm takaful có thể phải đương đầu với nhiều thách thức, bao gồm:
-         Nhiều khách hàng Hồi giáo vẫn giữ thái độ nghi hoặc với ngành bảo hiểm, đặc biệt là việc chào bán các sản phẩm bảo hiểm takaful hộ gia đình. Do đó, đào tạo khách hàng và cung cấp thông tin về sản phẩm là những biện pháp then chốt nhằm tăng cường xâm nhập thị trường và làm nảy sinh nhu cầu bảo hiểm.
-         Các doanh nghiệp bảo hiểm takaful chỉ được phép đầu tư vào các công cụ đầu tư tuân thủ quy định của luật pháp Hồi giáo (Sharia-compliant) – trong đó lãi suất cố định không thuộc danh sách các công cụ cho phép. Điều này có thể dẫn đến kết quả là danh mục đầu tư bị mất cân bằng: đôi khi bị tập trung quá nhiều vào các công cụ đầu tư cổ phiếu biến động lớn, tài sản cố định khó thanh khoản hoặc tiền gửi lãi suất thấp.
-         Tương tự như các dịch vụ tài chính Hồi giáo khác, bảo hiểm takaful tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Vấn nạn này đang trở nên căng thẳng hơn ở Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, còn ở các nước Đông Nam Á thì đây cũng là vấn đề đang ngày một quan trọng hơn.
-         Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cho bảo hiểm takaful ở các vùng nông thôn.
-         Những khó khăn của đại lý trong việc tiếp cận dân cư nông thôn.
-         Tại Ma-lai-xi-a, các quy định của luật pháp về hạn chế đầu tư nước ngoài cũng đã giới hạn các cơ hội cho việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.
-         Rào cản gia nhập thấp do các yêu cầu về vốn tối thiểu và các chính sách giá táo bạo của các doanh nghiệp khiến cho cạnh tranh trong ngành bảo hiểm takaful ngày càng gay gắt.
Ở Ma-lai-xi-a, rào cản gia nhập của bảo hiểm takaful thấp hơn so với bảo hiểm truyền thống, mặt khác còn được hưởng ưu đãi về thuế. Các cơ quan quản lý ở Ma-lai-xi-a và Thái Lan không đòi hỏi phải áp dụng mô hình bảo hiểm takaful riêng biệt, chỉ miễn là các doanh nghiệp triển khai loại hình kinh doanh này phải tuân thủ các quy định Sharia-compliant. Doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm takaful hộ gia đình (nhân thọ) tương đương nhau, trong khi đó doanh thu bảo hiểm nhân thọ vượt trội hơn so với thị trường bảo hiểm phi takaful.
Sự khiêm tốn về quy mô bảo hiểm takaful trong tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm ở những nước có triển khai loại hình này cho thấy bảo hiểm takaful mới đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu và tiềm năng tăng trưởng là khá dồi dào. Mặc dù ngân hàng–takaful là một kênh phân phối quan trọng song hiện nay việc bán bảo hiểm takaful thành công nhất vẫn là qua các kênh đại lý và môi giới tiếp cận trực tiếp – do có cơ hội tốt để đào tạo khách hàng về bảo hiểm.[viii]
Ngành bảo hiểm takaful vẫn còn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Những cơ hội then chốt nằm ở sự kết nối về giá trị mà loại hình bảo hiểm này mang lại cho các nhà đầu tư ở cả hai thế giới Hồi giáo và phi Hồi giáo. Điều đó đòi hỏi phải có sự tăng cường về lực lượng lao động và đào tạo cho khách hàng nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, việc thiết kế các gói sản phẩm takaful với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế, tiết kiệm hưu trí, kế hoạch học tập và quản lý của cải sẽ hỗ trợ cho việc tăng trưởng của lĩnh vực bảo hiểm này trong tương lai. Ngoài ra, cũng rất cần có sự phối hợp hài hòa từ những quy định cởi mở hơn của Sharia về sản phẩm bảo hiểm nhằm mở rộng khả năng thu hút khách hàng và giảm bớt những rào cản đối với các sản phẩm bảo hiểm takaful./.

Không có nhận xét nào: