4/8/11

Bất ngờ với bảo hiểm nhân thọ: Tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp tục

6 tháng đầu năm 2011, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường đạt 15,93%, tăng so với mức 14,39% cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng về doanh thu phí của toàn thị trường và bảo hiểm phi nhân thọ có phần chững lại. Sự tăng trưởng vượt trội này có thực sự là một bất ngờ?

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 7.239 tỷ đồng, tăng 15,93% so với cùng kỳ năm 2010. Trong bối cảnh tình hình lạm phát vẫn tiếp tục, tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2010 chứng tỏ bảo hiểm nhân thọ dường như không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

 Tình hình khai thác mới trong 6 tháng không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Số lượng hợp đồng chính thức trong 6 tháng ước đạt 368.919 hợp đồng, tăng 4,29%, tổng doanh thu khai thác mới (gồm cả hợp đồng chính và hợp đồng bổ trợ) ước đạt 1.961 tỉ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2010. Phí bảo hiểm bình quân đạt 4,9 triệu đồng/hợp đồng chính, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2010. Prudential và Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về doanh thu và thị phần doanh thu khai thác mới, trong đó Prudential chiếm thị phần 28,3% với 37,6% tổng doanh thu phí toàn thị trường, Bảo Việt Nhân thọ với  24,5% thị phần và 29,7% doanh thu phí toàn thị trường. Về khai thác mới, Manulife, ACE, Dai-ichi, AIA có thị phần từ 7,9% đến 12,6%. Prevoir và các doanh nghiệp mới thành lập chiếm thị phần không đáng kể. 

Riêng về cơ cấu sản phẩm bảo hiểm, 6 tháng đầu năm 2011, sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư (trong đó chủ yếu là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung) vẫn tiếp tục dẫn đầu trong tỷ trọng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm, chiếm 30,1% số lượng hợp đồng khai thác mới, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới ước đạt 738 tỷ đồng, tăng 33,17% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư ước đạt 1.653 tỷ đồng, chiếm 23,68% tổng doanh thu toàn thị trường. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng giữ “lửa” cho bảo hiểm nhân thọ trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Bên cạnh sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm còn tập trung vào khai thác sản phẩm tử kỳ với 108.194 hợp đồng khai thác mới, chiếm 29% số lượng hợp đồng khai thác mới. 

Tuy nhiên, các sản phẩm liên kết chung với lợi thế là đóng phí linh hoạt sẽ bị ảnh hưởng của lạm phát cao, từ đó phí đóng sẽ bị giảm đi kha khá. Nhưng trên thực tế thì không phải như vậy, phí đóng không những giảm mà còn tăng lên nhiều như vậy. Một hợp đồng bảo hiểm liên kết chung với giả sử tổng phí trong 3 năm là 50 triệu đồng, khách hàng được chọn đóng, miễn là hơn mức tối thiểu để duy trì hợp đồng, ví dụ là 5 triệu đồng/năm. Để tránh lạm phát cao, thì họ sẽ chọn vào thời điểm cuối cùng để đóng số tiền phí nhiều nhất, vì vậy, càng lạm phát, phí đóng vào bảo hiểm liên kết chung càng phải giảm xuống, chứ khó có thể tăng lên được, trừ phi tính đến việc gia tăng tuyển dụng có gắn với gia tăng về số lượng hợp đồng.  

6 tháng đầu năm nay, tổng mức lạm phát từ đầu năm đến nay lên 13,29%, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2010. Nếu so bình quân cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2010, chỉ số này đã tăng đến 16,03%. Về lý thuyết, lạm phát cao sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu về bảo hiểm của người dân cũng như khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, lạm phát không phải là nguyên nhân chính khiến khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, vì thực tế, với mỗi hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có thể rút bất cứ khi nào, nhưng khách hàng sẽ phải chịu thiệt hơn khi hợp đồng chưa đáo hạn. 

Giải thích về điều này, lãnh đạo của các công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết: lạm phát tuy ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế, nhưng đó là yếu tố ngắn hạn, còn bảo hiểm nhân thọ là dài hạn. Các công ty luôn có những giải pháp linh hoạt hỗ trợ khách hàng khi gặp khó khăn về tài chính như: cho vay để tiếp tục đóng phí bảo hiểm nhằm bảo đảm tính hiệu lực của hợp đồng, cung cấp các sản phẩm bổ sung "quyền lợi hỗ trợ trượt giá”, góp phần giải tỏa những lo lắng của khách hàng trước những biến động về lạm phát. Lãnh đạo Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng: trong những thời điểm khó khăn khi nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, lạm phát cao, cũng là lúc khách hàng cần đến dịch vụ bảo hiểm nói chung và của AIA nói riêng nhiều nhất, vì các sản phẩm bảo hiểm có khả năng mang lại sự bảo vệ an toàn cho họ. "Phí bảo hiểm nhân thọ yêu cầu khách hàng đóng theo từng kỳ, đóng từ từ, cho nên qua một thời gian dài nó sẽ trung bình lại và không ảnh hưởng nhiều do tình hình lạm phát. Năm 2009, khi mà tình hình kinh tế khó khăn nhất, doanh nghiệp chúng tôi lại có kết quả tăng trưởng cao, do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng", lãnh đạo AIA chia sẻ.

 Lan Hương – Thời báo Kinh tế Việt Nam

Không có nhận xét nào: