11/8/11

Khơi thông phân khúc bảo hiểm cháy nổ

(ĐTCK-online) Để tạo sân chơi lành mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác phát triển mạnh hơn nghiệp vụ bảo hiểm còn nhiều tiềm năng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 220/2010/TT-BTC thay thế Quyết định 28/2007/QĐ-BTC về hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Hiện nay, ý thức tự nguyện mua bảo hiểm cháy nổ của người dân và DN còn rất thấp

Số liệu thống kê năm 2010 của Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản đạt doanh thu 1.436 tỷ đồng, tăng trưởng 23%, trong đó bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 304 tỷ đồng, tăng 67,5%. Các doanh nghiệp bảo hiểm  có doanh thu cao là PVI (367 tỷ đồng), Bảo Minh (291 tỷ đồng), Bảo Việt (157 tỷ đồng), PJICO (97 tỷ đồng), BIC (78 tỷ đồng). Tổng số tiền bồi thường là 466 tỷ đồng, bằng 32,4% doanh thu. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao là ABIC (355,9%), BIC (119,2%), PJICO (74,6%), Bảo Long (55,3%), Groupama (53,1%), VASS (48,3%), Bảo Việt (47,6%).

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Hiệp hội, những rủi ro cao với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đi kèm với bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro đối với các khu nghỉ dưỡng (resort), nguy cơ cháy nổ cao với cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ, giầy da, may mặc cũng chưa được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chú ý, nên tình trạng cạnh tranh hạ phí, mở rộng điều kiện điều khoản không tương xứng với rủi ro bảo hiểm vẫn diễn ra gay gắt.

 Để tạo sân chơi lành mạnh và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác phát triển mạnh hơn nghiệp vụ bảo hiểm còn nhiều tiềm năng này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 220/2010/TT-BTC (Thông tư 220) thay thế Quyết định 28/2007/QĐ-BTC (Quyết định 28) về hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Việc ban hành những quy định này được đánh giá là rất cần thiết để đảm bảo an toàn tài chính cho tất cả các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam trong các hiểm họa từ cháy nổ gây ra.

 Không chỉ quy định rất rõ về biểu phí bảo hiểm đối với những trường hợp tham gia bảo hiểm, Thông tư 220 còn có những thay đổi linh hoạt về mức phí…. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, Khoản 8 điều 12 quy định mức đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy hàng năm bằng 5% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã thu được tương ứng với mức trách nhiệm thực giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng thu cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, quy định căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thoả thuận điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm với biên độ là 25% tính trên mức phí quy định… cũng tạo chủ động cho doanh nghiệp  bảo hiểm không phải điều chỉnh nhiều lần so với quy định trước đó mà chỉ cần một lần đàm phán duy nhất với khách hàng.

 Vị đại diện trên nhìn nhận, tuy cũng có ý kiến không đồng tình ở một số mục giảm phí, ví dụ như ngành gỗ là ngành mà hiện các doanh nghiệp bảo hiểm không khuyến khích khai thác nhưng lại giảm phí khá nhiều. Nhưng nhìn chung, biểu phí đã giảm khá nhiều, trung bình khoảng 50%, như vậy cũng có tác động kích thích mua bảo hiểm. Xét về tổng thể, các thay đổi lớn nhất về biểu phí và lệ phí cũng phần nào kích thích khai thác sản phẩm này, tuy nhiên, điều mà hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm còn băn khoăn là Thông tư mới vẫn chưa mang tính thực tiễn và chưa giải quyết được các vấn đề tồn đọng của nghiệp vụ này, như chưa có chế tài xử phạt đối với tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật, phá rào của các doanh nghiệp bảo hiểm hay chưa có quy định rõ ràng cũng như chế tài để giải quyết căn bản vấn đề ý thức và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm… 

Theo giám đốc ban bảo hiểm tài sản kỹ thuật của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, do ý thức người mua bảo hiểm thấp nên nếu nhìn một cách tổng thể, những quy định mới này cũng không gây "biến động" nhiều đến tình hình khai thác nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ trên thị trường. Bởi vì, dù luật quy định là phải mua ở mức bắt buộc nhưng nếu quy định mà không có chế tài cụ thể về hình phạt, trong khi lực lượng quản lý chức năng lại không kiểm soát chặt chẽ thì vẫn rất khó để phát triển và khai thác nghiệp vụ này. 

Không có nhận xét nào: