3/8/11

Thị trường bảo hiểm vẫn phát triển trong bối cảnh không thuận

(HNMO) – Từ đầu năm đến nay, những khó khăn từ nền kinh tế thế giới cũng như của nước ta đã tác động đến nhiều ngành kinh tế. Ngành bảo hiểm Việt Nam cũng không tránh khỏi những sóng gió chung như trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nợ phí tồn đọng lớn, bảo hiểm nhân thọ sụt giảm nhanh… Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững để phát triển.Ngày 1/8, tại Hà Nội, bên lề sự kiện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành chính thức công bố chuyển đổi thương hiệu từ Công ty cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành.
Các PV đã có dịp trao đổi với ông Trịnh Thanh Hoan – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) về những biến động của thị trường bảo hiểm.
* Thưa ông, năm nay trong những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành bảo hiểm đã phải vượt qua những thách thức gì?
* Dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế có ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm trong năm nay, nhưng không có biển động lớn. Những nghiệp vụ được xem là chịu tác động đáng kể nhất như: bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản cho các công trình xây dựng lớn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hải bởi đây là những ngành không có khả năng đóng phí bảo hiểm hoặc nợ đóng phí bảo hiểm với số lượng lớn. Một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do khó huy động vốn từ bên ngoài. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng gặp khó khăn trong khai thác, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, một số ít khách hàng tham gia bảo hiểm không còn đủ khả năng đóng phí bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mới, kể cả trong nước và nước ngoài đều cân nhắc kỹ hơn về kế hoạch đầu tư mới vào thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, mặc dù năm 2011 còn nhiều khó khăn, song với sự đồng lòng của các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và an toàn.
* Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, đặc biệt trong những lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán…; vấn đề này có tác động đến lĩnh vực bảo hiểm không ông?
* Số liệu về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2010 cho thấy chính sách thắt chặt tín dụng, đặc biệt trong những lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán.. có ảnh hưởng tới hoạt động tài chính và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không nhiều.
Hiện nay, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng đa dạng hơn và đi vào chiều sâu nhằm đảm bảo lựa chọn các hình thức đầu tư thích hợp, an toàn cho nguồn vốn và mang lại hiệu quả kinh tế cao như gửi ngân hàng, góp vốn liên doanh, tham gia thành lập công ty cổ phần. Mặt khác, do đặc điểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm và do kỹ thuật quản lý quỹ bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định của pháp luật.
Theo đó, năm 2010, cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vào bất động sản và chứng khoán chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn đầu tư: 1% đối với kinh doanh bất động sản và 6% đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh. Trong khi đó, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng chiếm 30%, trái phiếu Chính phủ chiếm 30% và ủy thác đầu tư chiếm 22% tổng nguồn vốn đầu tư.

* Trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh thu của thị trường bảo hiểm tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông mức tăng trưởng khá này có duy trì được trong những tháng cuối năm?* Trong 6 tháng đầu năm 2011, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ về ngiệp vụ bảo hiểm ngày càng giảm. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật đã hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã quản lý tốt rủi ro, chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng doanh thu bằng mọi giá. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành ước đạt 17.362 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 10.123 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010.Trong thời gian tới, tiếp theo đà tăng trường của năm 2010, năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, ngành bảo hiểm hướng tới mục tiêu tiếp tục đảm bảo ổn định thị trường để phát triển bền vững, đạt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành khoảng 35.290 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2010. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18 – 20% so với năm 2010.
*Đứng ở góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, có một động thái mới nhất là Công ty bảo hiểm Thái Sơn đổi thương hiệu thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này khi đây là một doanh nghiệp cũng đã có vị trí nhất định trên thị trường?
* Mỗi doanh nghiệp bảo hiểm có quyền lựa chọn cho mình một tên gọi phù hợp với quy mô hoạt động kinh doanh của mình, theo tôi cái quan trọng là doanh nghiệp bảo hiểm đó hoạt động có hiệu quả hay không? Chất lượng dịch vụ thế nào? Chất lượng phục vụ khách hàng có tốt không? Đóng góp những gì cho chính sách an sinh xã hội, được xã hội tin yêu và gửi gắm niềm tin vào công ty mình đã mua bảo hiểm vì ai cũng biết mua bảo hiểm là mua niềm tin, mua sự đảm bảo tài chính nếu không may bị tai nạn, rủi ro xảy ra…
Khi đổi tên từ Công ty Bảo hiểm Thái Sơn thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành, tôi biết Ban giám đốc Công ty đã suy nghĩ rất kỹ, phân tích cái được, cái mất vì tên bảo hiểm Thái Sơn đã quen thuộc với thị trường bảo hiểm, khách hàng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi chuyển sang Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành có nhiều cái tốt hơn. Một là, Xuân Thành là tập đoàn sản xuất, kinh doanh mạnh trên thị trường đã quen thuộc với nhiều người. Hai là, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành là công ty con của Tập đoàn Xuân Thành. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty khi huy động cả trí lực, vật lực của công ty mẹ để mở rộng kênh phân phối, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường, đặc biệt khách hàng của Tập đoàn Xuân Thành được hưởng lợi từ dịch vụ bảo hiểm đi kèm. Ba là, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các công ty bảo hiểm là thành viên của tập đoàn đều mang thương hiệu của công ty mẹ như Samsung, Huyndai…

* Xin cảm ơn ông!
L.HBáo Hànộimới

Không có nhận xét nào: