21/6/11

75% doanh nghiệp xuất khẩu chưa tham gia bảo hiểm tín dụng

Theo luật sư Võ Nhật Thăng, doanh nghiệp nên mua FOB, bán CIF và tự mua bảo hiểm sẽ chủ động tăng đối kháng với bất kỳ rủi ro nào xảy ra.Trao đổi ngoài lề hội thảo về rủi ro và giải pháp nâng cao cạnh tranh phát triển bền vững xuất khẩu Việt Nam ngày 20/5, luật sư Võ Nhật Thăng, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, đến nay, chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp làm quen với bảo hiểm tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đã thuê người chuyên chở thì có gì tổn thất sẽ đòi người chuyên chở, không cần tới bảo hiểm. Nhưng thực tế, người chuyên chở chỉ bồi thường ở giới hạn tối thiểu, trong khi đó bảo hiểm bồi thường gần như tối đa.

Trong 3 điều kiện bảo hiểm A,B,C, điều kiện C có mức phí thấp nhất nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhưng khi rủi ro bồi thường lại rất ít. Theo ông Thăng, phải cân nhắc trị giá hàng, nếu hàng tốt hàng giá cao phải mua điều kiện A, hàng thông thường thì mua điều kiện B, C.

            Để tìm được doanh nghiệp có mức bảo hiểm phù hợp về giá cả, trách nhiệm thì phải so sánh đơn chào hàng. Tuy nhiên, ông Thăng khuyến cáo: "đừng nghĩ rằng số tiền bồi thường nhiều đã là tốt, mà phải chú ý tới trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm."

Về phía doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP xuất nhập khẩu Bắc Giang nói, mặc dù là công ty làm ở lĩnh vực xuất khẩu trong nhiều năm nhưng đây mới là lần đầu tiên được tiếp xúc và hiểu rõ hơn về tín dụng xuất khẩu.

Trong bối cảnh lãi suất vay cao, phí bảo hiểm 10-15% cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Hoa cho biết, với thị trường mới, lợi nhuận cao, mạo hiểm nhiều sẽ tham gia những gói bảo hiểm tín dụng thương mại cao hơn. Thị trường quen, có thể không dùng những phương thức bảo hiểm này.

 Nên chuyển sang mua FOB bán CIF

            Đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mua CIF và bán FOB nên phần vận tải phía Việt Nam không thu xếp được, sẽ rất bị động vì bị đối tác nước ngoài “ấn” cho các điều kiện bảo hiểm rẻ.

Do đó, theo ông Thăng, thà doanh nghiệp bán CIF, mua FOB - tự mua lấy bảo hiểm thì sẽ chủ động tăng đối kháng khi có bất kỳ rủi ro nào xảy ra.
            Nếu thu xếp mua được tín dụng đối với hàng xuất khẩu thì tỷ lệ hàng xuất khẩu bán CIF sẽ tăng lên. Còn nếu không thu xếp được nhà cung cấp bảo hiểm có tín nhiệm thì đối tác nước ngoài sẽ không muốn mua bảo hiểm đó ở Việt Nam. Như vậy, tỷ lệ bán CIF sẽ không nhiều, đồng nghĩa kim ngạch xuất khẩu tăng ì ạch.
           
Theo ông Thăng, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là không hiểu một cách đầy đủ điều kiện bảo hiểm thông lệ quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp quốc tế đã áp dụng điều kiện bảo hiểm năm 2009, nhưng phía Việt Nam vẫn quen áp dụng luật năm 1982 và không quen với những điều kiện bảo hiểm mới.
           
Tình hình đã thay đổi nhiều, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu kỹ các điều kiện, thông lệ quốc tế để đưa vào hợp đồng mới và nên có bộ phận chuyên gia, luật sư nghiên cứu, cập nhật thường xuyên những thông tin mới để tránh thiệt hại không đáng có khi làm việc với đối tác nước ngoài do không am hiểu luật quốc tế.

Bích Diệp
Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu

Không có nhận xét nào: