20/6/11

Thị trường bảo hiểm: Ngoại lấn át nội

Thị trường bảo hiểm (BH) gồm nhân thọ và phi nhân thọ hiện nay đều đang bị các DN nước ngoài lấn lướt. Điều đáng nói là diễn biến này cũng chính là xu hướng của nhiều năm tới - đồng nghĩa với việc lĩnh vực kinh doanh khá béo bở này tiếp tục bị DN nước ngoài chiếm lĩnh.


Thua trên sân nhà
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát BH (Bộ Tài chính) thì tính đến nay, tổng số DN BH trên thị trường VN là 53 DN, trong đó có 29 DN BH phi nhân thọ, 12 DN BH nhân thọ, 11 DN môi giới BH và 1 DN tái BH. Thế nhưng trong số này, số lượng DN nước ngoài lấn át cả về số lượng, quy mô và doanh thu tài chính. Điều đáng nói là trong số 12 DN BH nhân thọ chỉ có duy nhất Bảo Việt nhân thọ là của VN. Số lượng DN liên doanh chỉ duy nhất có Vietcombank - Cardif, còn lại là 10 DN nước ngoài. Đối với lĩnh vực BH phi nhân thọ, số DN nước ngoài cũng lên tới con số 10, nhưng đồng thời có tới 33 văn phòng đại diện của các DN BH nước ngoài đang hoạt động tại VN ráo riết chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường.
Với hợp đồng lớn, DN Việt Nam thường phải tái bảo hiểm ra nước ngoài. Ảnh: PV

Không chỉ áp đảo về số lượng DN, các DN BH nước ngoài cũng áp đảo về quy mô hoạt động và đặc biệt là doanh thu. Theo công bố của Bộ Tài chính thì tổng doanh thu phí BH ước cả năm 2010 đạt khoảng 30.690 tỉ đồng. Nếu tách số doanh thu phí BH nhân thọ của năm này là khoảng 13.690 tỉ đồng thì Bảo Việt chỉ chiếm được con số lẻ. Có nghĩa là toàn bộ doanh thu khoảng 10 nghìn tỉ đồng còn lại hoàn toàn thuộc về thị phần của các DN BH nước ngoài khoảng 70%.  Đối với BH phi nhân thọ, mặc dù DN trong nước đang chiếm thị phần lớn, thế nhưng các chuyên gia lại đã đưa ra cảnh báo là sự vươn lên mạnh mẽ từ các DN nước ngoài.
Cụ thể liên tiếp trong nhiều năm qua, top các DN có tốc độ tăng trưởng cao thuộc về các DN nước ngoài. Trong đó theo tổng kết 10 tháng năm 2010, DN BH MSIG tăng trưởng tới 297%, Groupama 205%, ACE 153%... Các chuyên gia tài chính cho rằng với tốc độ tăng trưởng này, các DN BH nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị phần BH mới và rất có thể sẽ còn giành lại ít nhiều “phần bánh” BH mà DN trong nước đang nắm giữ. Một lo ngại khác dù DN tái BH duy nhất là của VN, thế nhưng DN này lại nhỏ bé về quy mô nên trong 10 tháng đầu năm 2010, DN này tái BH trong nước 1.458 tỉ đồng, song phải thực hiện tái BH ra nước ngoài tới 2.947 tỉ đồng.


Lo ngại dài hạn
Theo tính toán của các chuyên gia, tiềm năng thị trường BH nhân thọ tại VN còn rất lớn. Hiện mới chỉ có khoảng 5% dân số VN tham gia BH. Với thống kê này cho thấy là riêng mảng BH nhân thọ, duy nhất Bảo Việt thì sẽ khó lòng cạnh tranh. Một trong những lo ngại của lĩnh vực BH này là các DN BH nước ngoài không chỉ có quy mô vốn lớn, kỹ năng quản trị tốt mà còn đặc biệt chú trọng vào chất lượng và sự phong phú của sản phẩm BH.  
Giải thích lý do vì sao đến bây giờ, VN mới chỉ có 1 DN 100% vốn trong nước hoạt động trong lĩnh vực BH nhân thọ, các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn - trong đó vốn tối thiểu lên tới 500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, số lượng hợp đồng lớn, rủi ro nhiều nên việc quản lý yêu cầu một nền tảng công nghệ tốt. Một nguyên nhân nữa là chi phí gia nhập thị trường đối với BHNT khá lớn, trong 4 - 5 năm đầu tiên nhiều khả năng không có lãi. Đây là những thách thức với không ít DN. Tương tự với tái BH, các chuyên gia nhận định DNVN không đủ vốn và năng lực tái BH những hợp đồng lớn. Chính vì thế mà trong dài hạn, lĩnh vực BH nhân thọ và tái BH sẽ vẫn do DN nước ngoài chiếm lĩnh.
Còn đối với BH phi nhân thọ, các chuyên gia cũng cảnh báo sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể trong suốt thời gian qua và hiện nay, các DN BH nước ngoài đã tạo áp lực lên các DN trong nước bằng cách hạ chi phí, tăng hoa hồng, thậm chí chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể năm 2008 có đến 16 DN thua lỗ hơn 160 tỉ đồng, năm 2009 các DN lỗ tới trên 200 tỉ đồng. Các chuyên gia cho rằng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực BH phi nhân thọ đã đến mức báo động. Đồng thời cũng cảnh báo các DN VN nếu không sớm đổi mới, tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro thì sẽ vấp phải những khó khăn lớn trong chiến lược kinh doanh lâu dài.

Năm 2010, tổng doanh thu phí BH ước đạt khoảng 30.690 tỉ đồng. Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 8.208 tỉ đồng. Ngành BH đầu tư trở lại khoảng 92.809 tỉ đồng, giải quyết bồi thường và trả tiền BH gần 12.033 tỉ đồng. Mục tiêu năm 2011, dự kiến tổng doanh thu đạt 35.290 tỉ đồng.
BTV. Văn Hùng

Không có nhận xét nào: