20/6/11

Những thay đổi lớn trên thị trường bảo hiểm

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội thông qua ngày 6/12/2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2011. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vốn được coi là khá cởi mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài, với những sửa đổi sắp được thực thi tới đây còn tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn với quy định mở cửa đối với dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, cho phép chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam, xóa bảo hiểm nội ngành bằng quy định đấu thầu trong bảo hiểm…
Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "…Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới". Khi đề xuất này được đưa ra từng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Doanh nghiệp bảo hiểm trong nước lo ngại cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vốn đã rất khốc liệt nay sẽ càng khốc liệt hơn. Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm thì cho rằng, quy định này rất tích cực, vì sẽ tạo ra sự thuận lợi cho quản lý và kích thích hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Trong khi đó, người được hưởng lợi là các công ty bảo hiểm nước ngoài lại không quá kỳ vọng vào sự thay đổi này, bởi doanh nghiệp Việt Nam mua bảo hiểm thường dựa trên mối quan hệ có đi có lại. Hơn nữa, khi mua bảo hiểm, người mua cũng cần nắm được những nét cơ bản về đơn vị thực hiện dịch vụ bảo hiểm cho mình… Do đó, quy định mới này, theo các doanh nghiệp nước ngoài, cũng khó tạo ra được sự thay đổi đột biến trên thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, do đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới không có hiện diện thương mại tại Việt Nam, nên quyền lợi của bên mua bảo hiểm có thể không được bảo đảm khi xảy ra tổn thất hoặc tranh chấp, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ không đánh giá được đầy đủ về đối thủ cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước có thể gặp khó khăn trong việc quản lý, giám sát. Hơn nữa, việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới còn liên quan đến hoạt động quản lý ngoại hối, do sẽ xuất hiện luồng ngoại tệ di chuyển từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất. Chính vì vậy, khi thực thi luật mới, cần có hướng dẫn chi tiết hơn nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của bên mua bảo hiểm, bảo vệ thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới trong nước, hạn chế lượng ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài.
Để bảo vệ tối đa quyền lợi của bên mua bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mức trích lập quỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố hàng năm, nhưng tối đa không vượt quá 0,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm...
Một sửa đổi quan trọng nữa là quy định về đấu thầu và cạnh tranh trong bảo hiểm. Khoản 5, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "Dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đấu thầu về điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm, mức phí, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm và năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc đấu thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của luật này và pháp luật về đấu thầu".
Thực tiễn ở nước ta, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp này thường cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành, trong nhiều trường hợp không bảo đảm tính công khai, minh bạch, làm cho thị trường bảo hiểm bị chia cắt, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh. Kể cả trong trường hợp thực hiện đấu thầu bảo hiểm thì chủ dự án cũng có thể đưa ra các tiêu chí không minh bạch để lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm theo ý chủ quan của họ. Hoặc để thắng thầu, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng hạ phí bảo hiểm xuống quá thấp không tương xứng với rủi ro được bảo hiểm, từ đó dẫn đến không thực hiện được tái bảo hiểm, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn có những e ngại, quy định đấu thầu nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ trong bảo hiểm nội ngành sẽ rất khó khả thi nếu hệ thống pháp luật về cạnh tranh vẫn chưa đầy đủ và thực thi chưa nghiêm như hiện nay.

Không có nhận xét nào: