7/6/11

NHỮNG “GÓC KHUẤT” TRÊN THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM


(ĐTCK-online) Vài năm gần đây và những tháng đầu năm 2011, dù nền kinh tế gặp không ít vấn đề gây khó khăn cho hoạt động của các DN, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong ngành tài chính, nhưng các DN bảo hiểm vẫn có kết quả hoạt động tương đối khả quan. Điều này chứng tỏ tiềm năng thị trường bảo hiểm vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh sáng màu này là những vấn đề tồn đọng sau hơn 10 năm phát triển ngành bảo hiểm. 
Tại buổi "Tọa đàm hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN bảo hiểm" do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức giữa tháng 5/2011, một loạt khó khăn, vướng mắc đã được các DN bảo hiểm phản ánh. Trong đó có không ít khúc mắc về luật và các văn bản liên quan đến bảo hiểm như: thời gian để góp ý cho các dự thảo quá ngắn, không đủ để các DN nghiên cứu, trao đổi; trong khi đó, có những ý kiến đã đóng góp nhưng không được tiếp thu nên khi thực hiện tiếp tục phát sinh vướng mắc.

Đại diện một công ty bảo hiểm lớn phàn nàn, thủ tục xin thay đổi địa chỉ văn phòng đại diện còn quá mất thì giờ vì phải được Bộ Tài chính phê duyệt mới được chuyển sang địa chỉ mới; các DN bảo hiểm cũng khá khó khăn trong việc tiếp cận các văn bản pháp luật; hay như vấn đề trục lợi bảo hiểm đã tồn tại rất lâu trên thị trường nhưng không có biện pháp ngăn chặn, nên nhiều DN bảo hiểm đành phải chấp nhận bồi thường chỉ để tỏ thiện chí, thể hiện tính nhân đạo và cũng để giữ chân khách hàng…

Đặc biệt, hiện tượng trục lợi bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn con người… đang diễn ra hết sức phổ biến. Tuy DN đã rất nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng về những khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ của bệnh viện vì lý do bí mật hồ sơ bệnh nhân, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết. Bởi câu trả lời của Bộ Tài chính chỉ là, chưa thể thay đổi ngay mà phải làm từ từ khi sửa các luật liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ông Carlos Vanegas, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Liberty từng chia sẻ, việc thiếu các số liệu thống kê cũng là một thử thách với các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bởi ở các nước khác, mọi số liệu về khách hàng đều được thống kê đầy đủ, ví dụ lịch sử lái xe, số lần va quệt, các loại xe, đời xe khách hàng đã sở hữu… Trong khi tại Việt Nam, công ty bảo hiểm không thể tìm ra cơ sở dữ liệu này để có thể tính phí bảo hiểm một cách chính xác nhất.

Số liệu thống kê chính xác cũng là vấn đề đau đầu đối với các DN bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, đối với những DN muốn phát triển dòng sản phẩm bảo hiểm hưu trí cũng không hề dễ dàng, vì Việt Nam chưa có số liệu thống kê đầy đủ và chính xác về tuổi thọ của người dân. Hiện nay, các công ty bảo hiểm vẫn phải dựa vào số liệu thống kê của các tổ chức nước ngoài. Trong khi đó, tuổi thọ thực tế của người Việt Nam đang tăng nhanh so với dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Một vấn đề nóng bỏng nữa đang gây nhức nhối cho các DN bảo hiểm nhân thọ là việc tuyển dụng, giữ chân đại lý cũng như nhân viên công ty. Các công ty đều đang phải cạnh tranh quyết liệt trong việc đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn để lôi kéo nhân sự. Điều này ít nhiều cũng gây nên những xáo trộn trên thị trường, khiến hoạt động kinh doanh của các công ty khó có thể ổn định.

Hiện nay, nhiều DN bảo hiểm nhân thọ đã biết "nói không" với tăng trưởng nóng về doanh thu, tăng trưởng doanh thu bảo hiểm đi liền với không lỗ và tiến tới có lãi về nghiệp vụ bảo hiểm là mục tiêu nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ hướng đến. Bởi các DN đã rất thấm thía với giai đoạn cạnh tranh tăng doanh thu bằng hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm khi có đến 50% DN bảo hiểm phi nhân thọ và 80% chi nhánh công ty thành viên của DN bảo hiểm bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn những công ty bảo hiểm, đặc biệt là các đơn vị mới vào thị trường bước vào "vết xe đổ" này.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc mạnh dạn thu hẹp quy mô kinh doanh của các nghiệp vụ bảo hiểm tại các chi nhánh đang gây lỗ nặng nề cho công ty là cần thiết để phát triển bền vững. Những nghiệp vụ bảo hiểm như: xe cơ giới, tai nạn y tế, hàng hoá, tàu biển, cháy nổ, có mức doanh thu cao nhưng rủi ro lớn phải được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng thận trọng hoặc chấp nhận không tăng trưởng. Đồng thời, việc lựa chọn khách hàng, thậm chí ngừng cung cấp dịch vụ đối với những khách hàng - đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao, khách hàng đã ký hợp đồng bảo hiểm để xảy ra tổn thất liên tục trong thời hạn hợp đồng, là những vấn đề mà DN cần ráo riết thực hiện nhằm từng bước lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm.

Không có nhận xét nào: