10/6/11

Bảo hiểm nông nghiệp: Thực thi còn vướng

Bảo hiểm nông nghiệp
Bảo hiểm nông nghiệp

(Tamnhin.net) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011–2013, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hồ Xuân Hùng, với những mục tiêu rõ ràng cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, chương trình này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho người nông dân. Hiện Bộ NN&PTNT đang tiến hành xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện chương trình này.

Tại hội thảo góp ý về việc xây dựng thông tư trên, ông Nguyễn Trọng Hoan - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định, cho rằng nên bổ sung thêm bệnh lùn sọc đen đối với cây lúa vào bệnh được bảo hiểm, do đây là bệnh thường gặp tại các địa phương.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc Bùi Như Ý góp ý đây là chương trình thí điểm nên mỗi địa phương chỉ nên chọn ra một vài gia súc, gia cầm tiêu biểu như bò sữa, bò thịt, lợn giống, gà đẻ… sau đó tiến hành đánh giá, nếu thành công sẽ triển khai trên phạm vi lớn hơn.

Thêm nữa, cần quy định khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm công bố. Về phía người dân, chỉ cần báo cáo dịch đối với xã. Đơn vị này phải có trách nhiệm báo với các cơ quan có liên quan để xem xét giải quyết vấn đề.

Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm, ông Trịnh Quang Tuyến - Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đánh giá đây là chương trình mang tính đảm bảo an sinh xã hội cho người nông dân nên doanh nghiệp bảo hiểm rất khó thu được lợi nhuận từ việc thí điểm.

Trong khi đó, trên thế giới cũng chưa hề có những mẫu chuẩn về triển khai bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, theo vị chủ tịch này, nên áp dụng bảo hiểm nông nghiệp rộng rãi hơn đối với cây trồng, cụ thể ở đây là lúa nước. Còn gia cầm, chỉ áp dụng đối với những đàn gà thịt, gà đẻ có quy mô từ 2.000 con trở lên.

Tuy nhiên, các đại biểu không đồng tình với kiến nghị này vì với quy mô đàn gia cầm lớn như thế, hộ được bảo hiểm không thể xếp vào hộ nghèo - đối tượng cần được hỗ trợ để thực hiện chương trình này nhất.

Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân

Mục đích của việc thí điểm là nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.

Quyết định trên cũng chỉ rõ sẽ áp dụng thí điểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; triển khai đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng được triển khai tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ địa bàn hoặc trên một số huyện, xã tiêu biểu, theo nguyên tắc số đông bù số ít; cân đối giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh, thành phố để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thực hiện thí điểm.

Rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm theo quy định là thiên tai, như: bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các loại rủi ro thiên tai khác.

Còn dịch bệnh là các bệnh phổ biến, gồm dịch cúm, dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng, bệnh thủy sản, dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá…

Không có nhận xét nào: